Tiên phong bởi thương hiệu Richard Mille, ngành công nghiệp đồng hồ đang tự ép mình vào một “chế độ ăn kiêng” với mong muốn tạo ra những chiếc đồng hồ nhẹ đến không tưởng. “Vật liệu siêu nhẹ” đã tồn tại từ rất lâu trong thế giới xe hơi thể thao cao cấp, xe đạp, mô-tô, nhà sáng lập Richard Mille nhớ lại: “Thời khắc vật liệu này đi vào thị trường xa xỉ, đặc biệt ở dòng sản phẩm va-li và kính mắt độ bền cao đã đánh dấu một bước ngoặt lớn”.

Mille không phải là nghệ nhân đầu tiên tạo ra đồng hồ siêu nhẹ, Porsche Design mới chính là đơn vị tiên phong sử dụng thành phần ti-tan từ những năm 1980. Tuy nhiên, chính Mille là người đã thay đổi định kiến lâu đời của giới sưu tập về chuyện đánh đồng trọng lượng với giá trị.
Bắt đầu từ mẫu RM 006 Felipe Massa năm 2004, Mille tiến hành thử nghiệm với hàng loạt vật liệu khác thường, vay mượn từ các ngành công nghiệp và thể thao, bao gồm sợi các-bon nano, hợp kim silicon và lithium. Mỗi chiếc đồng hồ tiếp nối đều nhẹ hơn và đắt tiền hơn so với trước đó, thành quả quý báu nhất mà hãng đạt được chính là chiếc đồng hồ RM 027 Tourbillon chỉ nặng 20 gram và có giá 525.000 đô-la Mỹ dành cho ngôi sao quần vợt Rafael Nadal.

Trong giới đồng hồ, dù được biết đến là người thích tạo tiếng vang với sự độc đáo không lẫn vào đâu được, nhưng Mille lại “trình diễn” xu hướng “Less is More” một cách im ắng và chậm chạp. Một phần lý do nằm ở chỗ những vật liệu ti-tan thời kỳ đầu cần có quá trìnhh xử lý bề mặt bằng kỹ thuật phun hạt Bead Blasting, việc này phần nào hạn chế tính sáng tạo thẩm mỹ của nhà thiết kế. Thế nhưng, dù tốn kém hay khó thực hiện đến đâu, quá trình đánh bóng này vẫn được lan truyền khắp cộng đồng các nhà sản xuất thân vỏ đồng hồ tại Thụy Sĩ. Hiện nay, bạn có thể lựa chọn nhiều cấp độ đánh bóng khác nhau cho ti-tan, với vẻ đẹp ngang ngửa vàng trắng.
Cùng lúc đó, trào lưu sử dụng sợi các-bon cũng nở rộ một cách nhanh chóng. Từ những ngày đầu, Richard Mille phải lấy nguồn hàng sợi các-bon từ các máy bay tàng hình của Không quân Hoa Kỳ để tạo phần đế cho chiếc RM 006. Trong những năm gần đây, nghệ nhân đồng hồ đã phát kiến ra nhiều chất liệu dễ dàng hơn mà vẫn tạo ra một tỷ lệ chấp nhận được giữa độ bền và trọng lượng.

Trong khi nhiều thương hiệu khai thác sâu hơn vào sơn phủ cùng với kết cấu bề mặt để có thể áp dụng vào những vật liệu nhẹ, nhằm tạo ra hình dáng đương đại và kiểu trang trí ấn tượng, thì không ít thương hiệu lại đẩy giới hạn của thiết kế, kết hợp vật liệu nhẹ với phong cách skeleton để lột tả hết bộ máy cầu kỳ bên trong. “Chiếc RD820SQ có một bộ khung gần như trong suốt và rất ít chi tiết”. Gregory Bruttin – Giám đốc phòng nghiên cứu phát triển tại Roger Dubuis – mô tả về siêu phẩm Excalibur Carbon Automatic Skeleton, một ví dụ khác về vật liệu tiên tiến: “Tất cả những yếu tố này đem tới cho Excalibur một cảm giác rất kiến trúc, một sự hòa quyện tuyệt vời giữa chất liệu và cấu trúc”.

Những chiếc đồng hồ này sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, khiến bạn bất ngờ khi lần đầu nhấc chúng lên, và càng ngỡ ngàng hơn khi đã sử dụng một thời gian dài. “Mỗi chiếc đồng hồ chỉ nặng 30-40 gram kể cả dây và khóa, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về hành vi sử dụng của người tiêu dùng để có con số phù hợp nhất”, Sébastien Chaulmontet, người đứng đầu phòng phát triển của Angelus, thương hiệu vừa ra mắt chiếc đồng hồ skeleton siêu nhẹ U40, cho biết. “Và bởi vì nó là ti-tan, nên bất cứ ai xung quanh đều có thể nhận ra, do đó tạo nên một cảm giác khác hẳn so với khi đeo một chiếc đồng hồ bằng vàng trang bị tourbillon đắt tiền.
“Tôi muốn tạo ra sự thoải mái nhất cho cổ tay của khách hàng – và trọng lượng chính là yếu tố quan trọng”, Mille khẳng định. “Vấn đề là bạn sẽ khó có thể đeo một chiếc đồng hồ nặng như trước một lần nữa”.