Một nhóm hoạt động nghệ thuật ở Tokyo dấn thân vào cuộc cách mạng số đột phá khi tạo ra những thế giới không tưởng tuyệt đẹp nhằm tái định nghĩa về ranh giới của nghệ thuật.
Tham vọng của TeamLab là biến toàn bộ các thành phố trên thế giới trở thành những tác phẩm nghệ thuật tương tác không giới hạn làm người xem say đắm. Sử dụng ánh sáng như màu vẽ và toàn bộ thế giới như một khung tranh, TeamLab khuyến khích người xem trải nghiệm những hình ảnh kỹ thuật số ấn tượng, đầy mê hoặc như từ thế giới khác, thoát khỏi thực tại thông qua nghệ thuật thị giác.
Được thành lập từ năm 2001 bởi CEO kiêm giám đốc sáng tạo 41 tuổi Toshiyuki Inoko và 4 người bạn, có đội ngũ nhân sự đông đảo và đa ngành tự xưng là những “chuyên gia công nghệ quá khích”, tập hợp các nghệ sỹ, lập trình viên, kỹ sư, hoạt họa viên máy tính, nhà toán học, kiến trúc sư và thiết kế gia, TeamLab cân bằng các khía cạnh nghệ thuật, khoa học và công nghệ thông qua quá trình liên tục xử lý các suy luận và sáng tạo tập thể.
Thương hiệu nghệ thuật số này sử dụng âm thanh, ánh sáng, hình chiếu, cảm biến chuyển động nhằm xóa nhòa ranh giới giữa những người tham gia triển lãm, với niềm tin rằng nghệ thuật có thể kết nối người xem thông qua quá trình chia sẻ trải nghiệm, hoàn toàn khác biệt so với sự tương tác riêng lẻ khi ngắm một bức tranh hay tượng điêu khắc. Do sự biến hóa của các tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc vào hành vi của nhóm người tham quan, nhóm càng lớn thì các hiệu ứng kỹ xảo càng đặc biệt, nên họ rất chú ý đến sự hiện diện của những người khác.
Sau khi xác định chủ đề chính của tác phẩm nghệ thuật, Inoko sẽ tập hợp các chuyên gia để hoàn chỉnh ý tưởng và tạo ra tác phẩm, còn mục tiêu dự án và tính khả thi về mặt kỹ thuật sẽ được xác định trong quá trình làm việc.
Tùy đặc điểm của mỗi dự án, số lượng thành viên tham gia sẽ dao động từ 6 đến 100 người. Vốn có kiến thức về vật lý, thống kê, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và nghệ thuật, Inoko chia sẻ: “Khi còn bé, tôi đã hứng thú tìm hiểu thế giới tác động thế nào đến mình, việc thấu hiểu tự nhiên, mối quan hệ giữa con người với tạo hóa. Sự quan tâm đó nay chuyển sang việc tìm hiểu xem nghệ thuật có ý nghĩa gì với tôi. Những tác phẩm nghệ thuật số mà tôi tạo ra được kết tinh từ nền tảng kiến thức khoa học, toán học và công nghệ của bản thân”.
(Xem phần 2 tại đây)