Tối ngày 24/06, Louis Vuitton khép lại ngày đầu tiên của Tuần lễ Thời trang Nam Paris bằng buổi trình diễn bộ sưu tập Xuân-Hè 2026 dưới sự dẫn dắt của Giám đốc sáng tạo Pharrell Williams. Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Pompidou với sàn diễn được thiết kế như một bàn cờ “Snakes and Ladders” (tạm dịch: Rắn và Thang) khổng lồ. Sàn diễn có diện tích 2.700 mét vuông, biến quảng trường ngoài trời thành sân chơi, vượt khỏi giới hạn của một sàn catwalk thông thường.
Người đứng sau thiết kế sân khấu là kiến trúc sư Bijoy Jain, người sáng lập Studio Mumbai, được biết đến với các công trình quy mô lớn kết hợp thủ công truyền thống Ấn Độ và tư duy thiết kế hiện đại. Đây là lần hợp tác đầu tiên của Jain với Louis Vuitton.
Lấy cảm hứng từ trò chơi cổ xưa của Ấn Độ “Snakes and Ladders”, Jain mô tả công trình này là “biểu đồ vũ trụ giống như mandala”. Thay vì tạo ra không gian chỉ phục vụ trình diễn thời trang, ông đã dựng nên bố cục có chiều sâu, kết nối kiến trúc và văn hóa.
“Snakes and Ladders”: Ván cờ và ẩn dụ cuộc sống
“Snakes and Ladders” xuất hiện từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên với tên gọi Moksha Patam. Trò chơi từng được sử dụng như công cụ giáo dục đạo đức trong triết lý Hindu. Những chiếc thang tượng trưng cho các đức tính tốt và rắn đại diện cho các thói xấu.
Lấy cảm hứng từ trò chơi này, Bijoy Jain và đội ngũ Studio Mumbai đã thiết kế nên sàn diễn cho Louis Vuitton với các ô vuông bằng gỗ, bột màu cháy và kỹ thuật dệt truyền thống Mumbai. Khi được dựng tại quảng trường ngoài trời của Pompidou, sân khấu hiện lên với năm hình tượng rắn uốn lượn trên nền bàn cờ đất nung. Theo Louis Vuitton, không gian trình diễn hợp tác cùng Studio Mumbai là nơi trò chơi “Rắn và Thang” truyền thống được phóng đại thành một kiến trúc sống động, tái hiện họa tiết Damier biểu tượng của nhà mốt qua lăng kính giao thoa văn hóa.

Bộ sưu tập Xuân-Hè 2026 của Louis Vuitton trên sàn catwalk ấn tượng đó còn là lời tri ân sâu sắc dành cho văn hoá Ấn Độ. Pharrell Williams cùng đội ngũ sáng tạo đã thực hiện chuyến khảo sát thực địa qua các thành phố như New Delhi, Mumbai và Jodhpur. Họ ghé thăm xưởng thủ công, chợ địa phương và gặp gỡ nghệ nhân để tìm hiểu kỹ thuật chế tác, bảng màu và cảm hứng văn hoá bản địa.
Từ trải nghiệm đó, bộ sưu tập trở thành bản giao hưởng của chất liệu, màu sắc và tinh thần nghệ thuật Ấn, đồng thời thể hiện tầm nhìn của Louis Vuitton về vai trò ngày càng quan trọng của quốc gia này trong bối cảnh thời trang toàn cầu.
Bộ sưu tập lần này tiếp tục phản ánh định hướng của Pharrell Williams tại Louis Vuitton, mở rộng vai trò của nhà mốt, hướng đến các giá trị cộng đồng và sự kết nối giữa con người với con người.
Đôi nét về kiến trúc sư Bijoy Jain
Bijoy Jain lớn lên ở Mumbai và theo học kiến trúc tại Đại học Washington ở St. Louis đến năm 1990. Từ 1989 đến 1995, ông làm việc tại văn phòng Richard Meier ở Los Angeles và London, trước khi trở về Ấn Độ và thành lập Studio Mumbai vào năm 2005.
Các tác phẩm của Jain phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa Ấn Độ và phương Tây, giúp định hình phong cách riêng biệt cho Studio Mumbai – kết hợp giữa truyền thống thủ công và tư duy kiến trúc đương đại. Chia sẻ về triết lý làm việc của mình, Bijoy Jain cho biết: “Điều tôi quan tâm nhất chính là sự chỉn chu trong từng việc mình làm. Với vai trò là một kiến trúc sư, từ cách bạn mở một cánh cửa, thiết kế chiếc ghế, cấu trúc bức tường hay sàn nhà — tất cả đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Đó không chỉ là câu chuyện về chất lượng, mà còn là sự thấu hiểu trong từng quyết định sáng tạo. Là việc đặt mối quan tâm vào môi trường, vào vật liệu, và trên hết vào con người sống trong không gian ấy. Mọi thứ cần được hòa quyện và gắn kết một cách toàn diện.”