Khi mà Pepys được thử Haut-Brion, thương hiệu ấy đã tồn tại hơn một thế kỷ; dưới sự quản lý tài tình bởi gia tộc Pontac danh tiếng cùng những cải tiến vượt bậc trong sản xuất, loại rượu vang đặc biệt định hình phong cách cho thương hiệu được tạo ra. “Haut-Brion vẫn luôn dẫn đầu trong cuộc chơi của mình”, hoàng tử Robert của Luxembourg, giám đốc thương hiệu kể từ 2008, chia sẻ. “Trong những năm 1950, chúng tôi là những người đầu tiên sử dụng máy kéo trong vườn nho, và là đơn vị đầu tiên sử dụng bể lên men bằng thép vào năm 1961. Từ đầu thập niên 1970, thương hiệu luôn dẫn đầu trong việc nhân giống chất lượng cao các giống nho Bordeaux. Năm 1990, chúng tôi bắt đầu chế tạo thùng gỗ của riêng mình”.

Thế nhưng, dự án mới nhất của Haut-Brion quay trở lại tôn vinh những truyền thống lâu đời. Năm 1666, François-Auguste de Pontac mở một nhà hàng kiểu cách tên là Pontac’s Head tại thành phố sương mù Luân Đôn để quảng bá rượu vang của mình; năm 2005, Hoàng tử Robert học hỏi và mở một nhà hàng riêng mang tên Le Clarence, nhưng tại kinh đô ánh sáng Paris. Giành được hai ngôi sao Michelin cao quý, Le Clarence phát triển rực rỡ với sứ mệnh mà theo Hoàng tử chia sẻ là giống với Pontac’s Head: “chia sẻ tinh thần triết lý và sự thanh lịch tinh tế của một trong những thương hiệu rượu vang Bordeaux cao cấp nhất.”
Đế chế rượu vang được thành lập khi cụ Clarence Dillon của hoàng tử Robert, nhà tài phiệt người Mỹ, mua lại Haut-Brion năm 1935, khởi điểm của điền trang ngày nay được hợp thành từ ba vườn nho khác nhau tại Bordeaux. Năm 1983 diễn ra thương vụ chuyển nhượng đầu tiên với người hàng xóm kiêm đối thủ Château La Mission Haut-Brion. Tiếp đến, chính Hoàng tử hoàn thiện việc sát nhập hai vườn nho Château Tertre Daugay năm 2011 và Château l’Arrosée năm 2013 lại thành Château Quintus. Cùng nhau, ba đồn điền giúp tạo dựng công ty mẹ Domaine Clarence Dillon.
Có thể nhìn thấy từng bước khuếch trương được tính toán rất cẩn thận. “Nếu bạn không chịu lớn, bạn sẽ thối rữa”, Hoàng tử Robert nhận ra. “Trong một công ty mang tính chất gia đình, bạn vừa có được may mắn và cả nghĩa vụ tiên liệu được con đường dài phía trước”. Mặc dù vậy, sự tăng trưởng luôn được cân nhắc cùng những giới hạn. Trong những năm gần đây, rất nhiều cái tên nổi bật từ Bordeaux tấn công thị trường nước ngoài, trong khi đó dưới tài quản trị của hoàng tử Robert, Domaine Clarence Dillon luôn giữ vững “căn cứ địa” tại nước Pháp xinh đẹp. “Tôi luôn tin rằng,” ông nói, “những chai vang tuyệt hảo nhất thường đến từ Pháp. Hơn thế nữa, chúng tôi không chỉ nhờ tới tiềm năng vốn có của vùng đất mang tính lịch sử, mà còn những nhân tài đầy sáng tạo trong công ty tại đây”.
Có lẽ Hoàng tử Robert muốn ngầm tán dương những con người làm nên Clarendelle, một trong những vụ mua bán khác của ông vào năm 2005. Giống một thương hiệu hơn là một điền trang, Clarendelle thể hiện cảm hứng phong cách từ Haut-Brion bằng sự đa dạng trong sản xuất với đầy đủ các loại đỏ, trắng, rosé. Với sản lượng hàng năm hơn 1 triệu chai, phân phối khắp 85 quốc gia, việc đóng chai của Clarendelle không đội giá lên nhiều như các “anh chị lớn”. Mặc dù vậy, Jean-Philippe Delmas, Phó tổng giám đốc của Domaine Clarence Dillon, vẫn luôn áp dụng những gì tinh túy nhất trong việc phối chế và trưởng thành rượu Clarendelle. “Chúng tôi muốn mang tới một sản phẩm có độ phức tạp và sự cân bằng của một chai rượu gắn mác Bordeaux”, Hoàng tử Robert chia sẻ, “vẫn mang phong cách riêng của mình nhưng dễ tiếp cận hơn”.
Tất nhiên, viên ngọc quý giá nhất được Hoàng tử quan tâm vẫn là Château Haut-Brion. Điền trang rộng 50 héc-ta ngập tràn nho, nằm trên ngọn đồi cát và sỏi nhìn ra thành phố Bordeaux, nơi luôn được tán thưởng vì những chai vang đặc biệt từ thời của Pepys. Đến thăm Bordeaux năm 1677, nhà triết học người Anh John Locke là một trong những người đầu tiên ghi nhận sự vi diệu của vùng đất Haut-Brion, ông quan sát thấy rằng “nho trồng ở vườn kế bên, nơi chỉ cách chỗ này một cái rãnh, thổ nhưỡng trông chẳng có vẻ khác gì, nhưng thế không có nghĩa những chùm nho cũng tốt tương đương”. Hơn cả một thế kỷ sau, nhà ngoại giao Mỹ Thomas Jefferson sau khi thưởng thức Haut-Brion, qua lời giới thiệu của không ai khác Benjamin Franklin, đã phải thốt lên rằng “đây chính là loại vang Bordeaux hoàn hảo nhất”. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi biết nhà sản xuất rượu vang Château Haut-Brion luôn nằm trong bốn thương hiệu cao cấp nhất của Bordeaux từ 1855.

Không một nhân tố riêng rẽ nào có thể giải thích chất lượng đặc biệt của Haut-Brion. Người Pháp mang tới khái niệm toàn diện “terroir”, khó có thể chuyển ngữ trong bất cứ ngôn ngữ nào, khái niệm này liên kết các yếu tố như khí hậu, thời tiết, địa chất, địa lý, nhân công, giống nho, truyền thống, quá trình sản xuất, ủ rượu…. Trong những ly thủy tinh, chúng ta có thể phần nào khắc họa tính cách của Haut-Brion. Một loại rượu trang nhã, mùi hương và dư vị làm liên tưởng đến thuốc lá và tro. Không quá mạnh mẽ như Latour, không lòe loẹt như Mouton Rothschild, đậm mùi thổ nhưỡng hơn Lafite, không sực hương hoa như Margaux, Haut-Brion thực xứng đáng với đẳng cấp First Growth được gán cho. “Rượu của chúng tôi không theo phong cách hiện đại hay mang đậm mùi vị trái cây”, hoàng tử Robert đánh giá, “nhưng đó không phải là vấn đề nếu mọi người thực sự hiểu về thức uống đặc biệt này. Chúng tôi khá là bảo thủ khi đề cập đến phong cách rượu của mình”.
Một thập niên trước, thái độ của hoàng tử có thể bị coi là thoái bộ, nhưng sự cân bằng thận trọng của ông giữa truyền thống và sáng tạo đã khiến Haut-Brion trở nên giá trị hơn bao giờ hết. Đối với thế hệ trẻ bị bủa vậy bởi chủ nghĩa thương mại tràn lan của Bordeaux, sự trung thành của Haut-Brion với phong cách cổ điển tạo ra sức mạnh cực kỳ hấp dẫn. “Người tiêu dùng ngày nay khao khát sự chân thật và tính nguyên bản hơn bất cứ thứ gì”, Hoàng tử Robert chia sẻ. “Họ có thể nhìn xuyên thấu những ngón nghề quảng cáo và sự thổi phồng từ truyền thông. Chúng tôi bảo tồn những giá trị vượt thời gian về chất lượng, và chúng tôi kể một câu chuyện có thật, một câu chuyện cũng rất đương đại”. Nói cho cùng thì, sự trung thực và Haut-Brion khó có thể bị đào thải.