Khi nhìn vào mẫu thử nghiệm Volocopter, chúng ta có thể cảm nhận về một chiếc siêu xe biết bay hơn là một chiếc trực thăng. Với các tính năng như cất và hạ cánh thẳng đứng, chế độ bay bán tự động, khoang ngồi hai chỗ với động cơ điện, sản phẩm của thương hiệu E-Volo được thiết kế để dễ dàng sử dụng qua một cần điều khiển duy nhất. Để chứng minh cho điều đó, Tổng giám đốc Alexander Zosel đã đích thân điều khiển từ xa chiếc máy bay thế hệ mới nhất VC200 và chia sẻ trải nghiệm của mình. Ông nhận thấy hệ thống điều khiển trực quan và đơn giản hơn ông nghĩ rất nhiều: “Kể cả khi bạn thả tay, chiếc Volocopter vẫn sẽ trôi lơ lửng trong không trung”. Để làm được điều đó, bộ vi xử lý và cảm biến được liên kết với nhau qua hệ thống mạng, tiếp nhận dữ liệu điều khiển rồi chuyển thẳng đến các rô-tơ của máy bay và luôn duy trì độ ổn định cánh quạt.
Động cơ chạy bằng pin của Volocopter chỉ duy trì được 20 phút, nhưng E-Volo đang tìm cách nâng cấp lên thành một tiếng đồng hồ trở lên bằng cách xây dựng một hệ thống hybrid gồm một động cơ đốt trong và một máy phát điện có thể sạc pin liên tục. E-Volo cũng đang nghiên cứu cơ chế gập độc đáo để có thể thu gọn các mảnh cánh quạt, dễ dàng cho việc lưu trữ hoặc vận chuyển. Hiện tại, công ty này đang gấp rút thử nghiệm chuyến bay có người lái đầu tiên, đồng thời làm việc với cơ quan hàng không Đức để tạo ra một hệ thống phân loại máy bay mới, phù hợp với Volocopter.
Sau khi giành được giải thưởng về kỹ thuật tại Hội nghị biến đổi khí hội của Liên Hợp Quốc, Volocopter thể hiện một tiềm năng rất lớn trong việc thay đổi cách di chuyển hàng ngày của con người, đề cao hoạt động bảo vệ trái đất thông qua việc sử dụng năng lượng sạch.
www.volocopter.com