Nhà thiết kế đã dành ra hai năm để nghiên cứu và phát triển sản phẩm để tạo ra các tuyệt tác trang sức từ tre trông thật thanh tú trên cơ thể chủ nhân.
Từng nổi tiếng nhờ các tác phẩm ấn tượng từ gỗ và đá quý, nhà thiết kế Silvia Furmanovich từ São Paulo giờ đây còn lấn sân sang lĩnh vực chế tác hoa tai, vòng tay và nhẫn cocktail với cách thức xử lý chất liệu tre có từ thời Nhật Bản cổ đại.
Hầu hết các tác phẩm của Furmanovich được “thai nghén” tại Nhật. Song, thông qua sự hợp tác cùng Instituto Jatobás, cô cũng đang hướng dẫn cộng đồng địa phương tại quê hương Brazil cách ứng dụng tre vào việc chế tác trang sức cũng như các sản phẩm gia dụng.
1. Kiểm tra
Silvia Furmanovich đang kiểm tra chất lượng tre tại một hãng cung cấp ở Kyoto. Hiện có hơn 600 giống tre được trồng tại Nhật Bản.
2. Quan sát
Furmanovich ghé thăm “Beppu City Traditional Bamboo Crafts Center” tại đảo Kyushu – nơi sản sinh ra những bậc thầy đan tre – và quan sát kỹ thuật dệt tre từ các nghệ nhân Nhật Bản – những người đã dành ra khoảng thời gian trung bình là năm năm mới có thể thạo nghề. Nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập của cô cũng xuất phát tại đây.
3. Trồng và thu hoạch
Mỗi cây măng non đều được chăm chút kỹ lưỡng. Thời gian thu hoạch tre phải kéo dài ít nhất là bốn năm. Theo đó, thời gian phơi khô tre cũng phải trải dài trong vòng ba năm. Kết thúc quá trình này, mỗi thanh tre sẽ được bảo quản cẩn thận để tránh khỏi sự ẩm mốc.
4. Đảm bảo chất lượng
Các thanh tre mỏng được dệt và ép thẳng trên những chiếc máy thủ công chuyên dụng, sau đó sẽ được ngâm nước nóng trong nửa ngày nhằm đáp ứng đủ độ dẻo cho công đoạn uốn cong.
5. Tạo hình
Furmanovich sẽ dệt và thắt khoảng 12 đến 13 thanh tre lại với nhau để tạo hình cho các mẫu trang sức. Quá trình này có thể mất đến khoảng hai giờ, tùy thuộc độ phức tạp. Dĩ nhiên, nút thắt càng nhỏ thì việc sáng tạo sẽ càng vất vả.
6. Chuẩn bị màu nhuộm
Furmanovich sử dụng những gam màu như đỏ, xanh nước biển, xanh lá, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo giữ vẹn tông màu ấm áp tự nhiên của cây xanh bằng chất nhuộm chuyên dụng dành riêng cho tre.
7. Ngâm
Sau khi uốn cong và kết lại, tre lại được ngâm vào nước sôi có chứa chất nhuộm. Thanh tre có chứa các lỗ li ti nên rất dễ hấp thụ thuốc nhuộm và khó bị phai màu.
8. “Khoác áo” cho tre
Qua đôi bàn tay điêu luyện của thợ kim hoàn xứ Brazil, mẫu thiết kế được “khoác” lớp áo bằng vàng 18 carat cùng các loại đá quý hiếm khác như kim cương, thạch anh vàng, đá tourmaline, ngọc lục bảo Muzo hoặc ngọc trai South Sea.
(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Một + Hai mang chủ đề “The Ultimate Gift Guide”)