Đã từ lâu, trước khi Tuần Lễ Thời Trang Tokyo được diễn ra chính thức, thành phố Tokyo đã là một nơi thu hút các tín đồ sành điệu không phân biệt tuổi tác từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ là đại diện châu Á lớn nhất của làng thời trang thế giới, Tuần Lễ Thời Trang Tokyo còn nổi bật với những phong cách mới mẻ, lạ mắt, tinh nghịch như muốn phá vỡ mọi luật lệ thời trang. Từ tác phẩm avant-garde nhằm khẳng định tính nghệ thuật của trang phục, cho đến những phá cách khiến món đồ thường ngày trở nên cá tính, các nhà thiết kế từ xứ Phù Tang luôn thể hiện bản lĩnh và sự táo bạo trong mỗi đường kim, mũi chỉ.
Gần đây, khi những nhãn hàng đình đám từ New York, London, Milan và Paris có khuynh hướng tìm lại những giá trị cổ điển trong chủ nghĩa tối giản, thì các nhà mốt từ Tokyo vẫn không ngần ngại cho ra mắt những bộ sưu tập độc đáo, khơi gợi sự sáng tạo. Có thể, khi những giá trị cổ điển trường tồn vẫn luôn được các thương hiệu tên tuổi gìn giữ và phát triển, thì trong bối cảnh bất ổn của nhiều nền kinh tế trên thế giới, không ít thương hiệu trẻ đang từng bước chứng tỏ khả năng sáng tạo vượt thời gian.
Kỷ nguyên vũ trụ phần II
Trong những năm qua, tham vọng đưa con người lên vũ trụ vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Giờ đây, cả giới khoa học lẫn các tỷ phú ưa thám hiểm đang nỗ lực tiến đến một tương lai, nơi việc bước ra ngoài không gian Trái đất có thể đơn giản là một kỳ nghỉ, một chuyến du ngoạn, hay thậm chí là một phần hoạt động của đời thường. Với những phát kiến kỳ tích khơi gợi trí tưởng tượng, các nhà thiết kế thời trang cũng góp phần vẽ nên hình ảnh phiêu lưu giữa các hành tinh. Có thể nói, Kỷ Nguyên Vũ Trụ (Space Age) đã chính thức quay lại khi nhà thiết kế Kanako Sakai cho ra mắt chiếc quần ánh kim màu bạc và bộ suit xanh gợi nhớ trang phục của David Bowie trong MV Life on Mars.
Khác với Kỷ Nguyên Vũ Trụ lần thứ nhất diễn ra vào thập niên 1960-1970, khi yếu tố khoa học kỹ thuật và vẻ đẹp chói lòa của những vì tinh tú được vay mượn để “đính” lên những bộ cánh mang tính biểu diễn, thì giờ đây, các nhà thiết kế phải suy nghĩ về hiện thực thời trang trong môi trường vô trọng lực. Trong bối cảnh đó, HIDESIGN đã cho ra mắt những bộ trang phục được cải biên để có thể thích nghi với ngoại cảnh như băng giá hay những mối nguy hiểm khó lường. Với những đường cắt rộng rãi thoải mái cùng thiết kế mang tính ứng dụng cao, bộ sưu tập này khắc họa góc nhìn độc đáo về tương lai, khi thời trang buộc phải thích nghi với những điều kiện bên ngoài Trái Đất.
Tuổi trẻ nổi loạn
Văn hóa trẻ và thời trang đường phố luôn gắn liền với nhau. Và tại thủ đô của thời trang đường phố, các nhà thiết kế đã thể hiện góc nhìn chân thật đó về tuổi trẻ. Với màn trình diễn được tổ chức ngay trên phố, nhà thiết kế Kamiya mang đến không khí náo nhiệt cùng chất nổi loạn. Trong con ngõ nhỏ, những người mẫu như bước ra từ thập niên 1950 với bộ suit denim, áo hoodie rộng và kính râm. Nhưng khác với hình ảnh hào nhoáng của tài tử James Dean, những chàng trai bảnh bao của Kamiya vẫn không thể giấu những vết thương bầm xước trên mặt, thêm phần lột tả sự nổi loạn và tính hoài bão của tuổi trẻ.
Buổi trình diễn của FAF bắt đầu khi những người mẫu bước ra và ngồi tập hợp trên sân khấu. Lần lượt, từng người rời vị trí và tiến đến đứng trước hàng rào microphone, như thể đang đối mặt với một luồng truyền thông phê phán. Thiết kế trang phục và cách phối đồ lấy cảm hứng từ văn hóa thrift (sử dụng đồ cũ), với hoa văn lạ mắt mang chất DIY (tự làm). Phong cách này trái ngược với hình ảnh những nhân viên văn phòng mặc đồng phục trăm người như một vốn đã trở thành biểu tượng của văn hóa thành thị Nhật Bản. Có lẽ bộ sưu tập này nhằm khắc họa sự chỉ trích và phân biệt mà những người trẻ cá tính thường gặp phải trong một xã hội bảo thủ và cứng nhắc với các quy tắc.
Tuổi thơ kỳ bí
Tuổi thơ là chủ đề thường được đề cập trong thời trang đường phố của Tokyo. Việc bám víu vào phong cách trẻ con với những họa tiết nhí nhảnh và màu sắc sặc sỡ có thể là một cách phản đối xã hội hà khắc của người lớn, hay là lời thôi thúc mọi người nhìn lại thời điểm quan trọng này một cách sâu sắc hơn. Điển hình là hai bộ sưu tập đến từ pays de fees và Viviano.
Sử dụng những họa tiết mang nét hoạt hình và màu sắc có tính đối lập cao như đen – trắng – đỏ – vàng, Lim Asafuji – nhà sáng lập pays de fees – khiến khán giả liên tưởng đến những con búp bê gỗ hay chú hề gắn liền với niềm vui của trẻ thơ. Nhưng khi ngồi trong không gian tĩnh mịch và chứng kiến bước đi chuệch choạc của người mẫu, hẳn đã không ít người cảm nhận được sự rùng rợn. Từ món đồ chơi mang hình hài con người đến chiếc khăn quấn kín mặt như thể xóa đi nét cá tính của người mặc, có lẽ nào bộ sưu tập này muốn nói lên những nỗi lo sợ xoay quanh tuổi thơ của mỗi chúng ta?
Đối với những người hứng thú với thời trang đường phố của Nhật Bản, danh từ “Lolita” không phải là điều quá xa lạ. Thường gắn liền với hình ảnh những cô gái mang váy bồng và mũ bonnet rộng vành, phong cách này nhằm phản đối cách xã hội Nhật đối xử với phụ nữ trưởng thành. Trong bộ sưu tập của Viviano, ý nghĩa của phong cách Lolita lại được truyền tải qua qua các bộ trang phục dành cho nam giới. Với chất liệu tulle bồng bềnh và ruy băng thắt nơ ở cổ, các thiết kế như lên tiếng chống lại một xã hội máy móc, cho phép nam giới có quyền được nhớ lại nét hồn nhiên của tuổi thơ.
Tanaka Daisuke và Jotaro Saito – Ký ức thời gian
Với phong cách hoài cổ vốn phổ biến từ trang phục đường phố bình thường đến thời trang cao cấp, những nhà thiết kế ở Tokyo cũng mang tinh thần đó vào những tác phẩm của mình. Trong bộ sưu tập có tên gọi “Memories,” Tanaka Daisuke đã vay mượn những phom dáng, họa tiết và đồ trang sức từ nhiều thời kỳ trong lịch sử, mang nét hoà trộn giữa văn hóa Á-Âu và sử dụng chúng một cách mới lạ, vừa hiện đại vừa kỳ ảo.
Bên cạnh các tài năng trẻ đang từng bước thay đổi diện mạo của thời trang, Tokyo Collection cũng là nơi chào đón những thiết kế trang phục truyền thống Nhật Bản. Trong thời hiện đại, do những thay đổi về yêu cầu công việc và cuộc sống mà các nam nhân Nhật phải chuyển sang mặc Âu phục những lúc ra ngoài. Vì vậy, những chiếc kimono được sản xuất cho nam giới thời nay thường không có họa tiết.
Nhưng gần đây, người trẻ muốn thể hiện bản sắc văn hóa của mình, nên những thiết kế kimono dành cho nam trở nên tinh tế hơn. Điển hình là trong bộ sưu tập Thu Đông 2024, Jotaro Saito – một nhà thiết kế xuất thân từ gia đình nghệ nhân làm kimono – đã sử dụng họa tiết hoa hồng, hoa trà, hoa cúc trong những bộ áo và đai thắt của nam giới. Dưới tài nghệ phối màu của ông, những bông hoa khiến trang phục trở nên sành điệu mà vẫn rất nam tính.
Và đừng ngại ngùng nếu bạn không phải công dân Nhật, vì những nghệ nhân và tín đồ kimono luôn sẵn sàng giới thiệu trang phục yêu thích của họ đến với thế giới.
Tuần Lễ Thời Trang Tokyo hàng năm không đơn giản chỉ là những buổi trình diễn sản phẩm mới của các nhãn hàng, mà là nơi sự sáng tạo và phá cách lên ngôi. Không bị ràng buộc bởi kỳ vọng về thương hiệu và vẻ bề ngoài, những tài năng tại xứ sở Mặt Trời mọc thỏa sức thử nghiệm để tạo nên các tác phẩm đặc sắc mang đậm dấu ấn truyền thống nhưng cũng không kém phần hiện đại.