Mặc dù thị trường nghệ thuật gặp phải nhiều khó khăn trong những năm gần đây, nhưng điều đó không ngăn cản nhiệt huyết của những nhà sưu tầm và buôn bán tranh. Từ những tên tuổi gạo cội đến những thành viên mới trong ngành, các phòng tranh và không gian trưng bày nghệ thuật liên tục mở cửa đón khách trên khắp thế giới. Dưới đây là 3 phòng tranh thú vị sắp được khai trương tại New York, Tokyo và Los Angeles.
Marian Goodman Gallery – New York City

Đã 96 năm kể từ khi phòng tranh đầu tiên của Marian Goodman chính thức được khai trương và trong tháng 10 tới đây, những tác phẩm sẽ được chuyển đến không gian hoàn toàn mới tại khu vực Tribeca sau hơn bốn thập kỷ trên phố West 57th Street. Gần một thế kỷ qua, phòng tranh là nơi gặp gỡ của những nghệ sĩ và học giả nổi tiếng. Và khi giới nghệ thuật của New York chuyển về trung tâm thành phố, hiển nhiên Marian Goodman cũng sẽ theo sau.
Là một tòa nhà hướng về mặt đường lớn, phòng tranh mới của Marian Goodman rộng rãi với 5 tầng để trưng bày các tác phẩm và hiện vật. Chủ tịch Philipp Kaiser chia sẻ rằng không gian này cho phép họ di chuyển và sắp xếp những tác phẩm điêu khắc mà không phải dùng cần cẩu đưa qua khung cửa nhỏ.
Từ những ngày đầu tiên, phòng tranh đã hợp tác với rất nhiều các tên tuổi lớn như Gerhard Richter và William Kentridge. Mặc dù nhà sáng lập Marian Goodman đã không còn trực tiếp tham gia điều hành, nhưng tên tuổi của phòng tranh vẫn liên tục thu hút những nghệ sĩ trẻ như Andrea Fraser, Daniel Boyd, hay Delcy Morelos.
“Chúng tôi đang trải qua giai đoạn chuyển nhượng,” Kaiser cho biết. “Theo tôi, những phòng tranh cũng như các sinh vật sống phải liên tục thích nghi và thay đổi.”
Triển lãm đầu tiên tại phòng tranh mới sẽ trưng bày các tác phẩm của 50 nghệ sĩ khác nhau, trong đó có tấm ảnh chụp hiện tượng Nhật thực của nhiếp ảnh gia An-My Lê, “tình huống thực tế” được đạo diễn bởi Tino Sehgal, và tác phẩm điêu khắc mang tên Timekeeper (Người cai quản thời gian) sử dụng những vách tường sơn từ nhiều bảo tàng để ghép lại thành hình phỏng theo những lớp gỗ trên thân cây. Đặc biệt hơn cả, tác phẩm này cũng mang theo một phần của con phố cũ đến không gian trưng bày mới.
Pace – Tokyo

Marc Glimcher – CEO của phòng tranh Pace – chia sẻ rằng ông đã gặp phải nhiều sự phản đối khi bày tỏ ý định mở phòng tranh mới tại Tokyo. Lý do là vì Pace đã có không gian trưng bày ở nhiều thành phố lớn trên thế giới bao gồm Los Angeles, Seoul, New York, London, Geneva và cả Hong Kong.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, Hong Kong không còn là điểm nóng nghệ thuật như trước, và giới nghệ sĩ đang ngày càng hướng về Nhật Bản. “Trong số các hoạ sĩ của Pace, có 120 người đã bày tỏ mong muốn tổ chức triển lãm của mình tại Nhật,” Glimcher cho biết.

Xứ Phù Tang đã một thời có ảnh hưởng lớn trong giới sưu tầm nghệ thuật. Vào nhưng năm 1980, các nhà sưu tầm tranh từ Nhật sở hữu rất nhiều tác phẩm vô giá, nhưng khi bong bóng kinh tế vỡ, nhu cầu nghệ thuật cũng giảm đáng kể. “Có một sự thật là khi kinh tế khó khăn, xã hội Nhật Bản lại tự cô lập,” Glimcher nêu nhận định, gợi lại lịch sử thời kỳ Toả Quốc của đất nước này. “Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay đã cởi mở hơn và sẵn sàng đón nhận những tinh hoa nghệ thuật quốc tế, không chỉ đơn thuần thu thập những món đồ quý giá.”
Không gian mới của Pace tại Tokyo sẽ có 3 tầng trưng bày. Trong kỳ triển lãm đầu tiên, công chúng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm của hoạ sĩ tên tuổi như Maysha Mohamedi, Adam Pendleton, và Arlene Shechet lần đầu tiên được đưa đến Nhật Bản.
Megan Mulrooney Gallery – Los Angeles

Sau một số bê bối liên quan đến thù lao của các nghệ sĩ, ông Nino Mier đã đóng cửa phòng tranh của mình, chuyển nhượng lại phần lớn không gian cho giám đốc điều hành cũ là Megan Mulrooney. Và vào ngày 14/9 vừa qua, bà đã chính thức khai trương phòng tranh của mình. Với 3 địa điểm trưng bày khác nhau trên đại lộ Santa Monica Boulevard, Mulrooney bày tỏ mong muốn xây dựng không gian nghệ thuật dành cho “các cuộc hội thoại xuyên thế hệ” giữa những tên tuổi gạo cội và những nghệ sĩ trẻ mới vào ngành.
Các triển lãm đầu tiên của phòng tranh sẽ trưng bày những bức tranh rắc đá cẩm thạch của Marin Majić và tác phẩm của hoạ sĩ trẻ Piper Bangs. Mulrooney cũng dự định cho phép các hoạ sĩ tự tay giám tuyển những triển lãm tại không gian thứ 3. “Như vậy, khách tham quan sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về góc nhìn và nguồn cảm hứng của các nghệ sĩ, cũng như đời sống nghệ thuật của họ và những mối quan hệ trong giới mộ điệu,” bà chia sẻ. Nghệ sĩ đầu tiên kiêm nhiệm giám tuyển là Jon Pylychuk.
“Theo tôi, mục đích của một phòng tranh là để truyền nhiệt huyết và cảm hứng sáng tạo cho những vị khách tham quan,” Mulrooney cho biết. “Khi bước ra khỏi đây, bạn sẽ tràn đầy niềm hi vọng về bản thân và thế giới.”