Công nghệ đang ngày càng tạo ra những điều kỳ diệu trong lĩnh vực thời trang. Những thiết kế vốn từng nằm ngoài trí tưởng tượng của con người đã được hiện thực hóa nhờ hệ thống thiết bị công nghệ mới với vô số lựa chọn cả về chất liệu lẫn phương thức sản xuất. Nhiều năm trước, những cải tiến công nghệ đã có ảnh hưởng nhất định đến một số nhà thiết kế, thể hiện rõ qua những bộ sưu tập và các buổi trình diễn thời trang của họ dù phần lớn chỉ sử dụng công nghệ như phương tiện tạo hiệu ứng hình ảnh thay vì áp dụng trực tiếp vào trang phục.
Giờ đây, chúng ta cũng thấy được những ứng dụng này trong thế giới thực. Một trong những nhà thiết kế đầu tiên làm được điều này là Hussein Chalayan qua bộ sưu tập “Morphing Dress” Xuân-Hè 20107. Ông đã kết hợp các bộ vi điều khiển vào trang phục để chúng bung nở, thay đổi hình dáng và màu sắc khi các người mẫu đi lại trên sàn diễn. Vào năm 2012, nhà thiết kế Vega Zaishi Wang đã tạo ra một bộ sưu tập mang tên “Alpha Lyrae” sử dụng loại vải phát sáng được lấy cảm hứng từ vũ trụ. Trong bộ sưu tập Magnetic Motion của mình vào năm 2015, nhà thiết kế Iris van Herpen đã lấy cảm hứng từ máy gia tốc hạt CERN của Thụy Sĩ để tạo ra những mẫu trang phục bằng công nghệ in 3D. Thế nhưng, dù những nhà thiết kế này đã đưa công nghệ vào lĩnh vực thời trang nhưng những mẫu trang phục của họ vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi sàn diễn, chưa có tính ứng dụng thực tiễn.
Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào thì những bộ cánh vốn dĩ chỉ tồn tại trong những bộ phim khoa học viễn tưởng có thể được đưa vào sử dụng hàng ngày? Một số nhà thiết kế đang nỗ lực đáp ứng những nhu cầu mới mẻ này. Studio XO – hãng công nghệ thời trang có trụ sở tại Luân Đôn – đã thực hiện nhiều mẫu trang phục trình diễn cho các ngôi sao ca nhạc và đã ứng dụng các cải tiến công nghệ vào từng sản phẩm sáng tạo của mình. Đó là chiếc váy “bay” cho Lady Gaga, chiếc áo ngực nàng tiên cá cho Azealia Banks với những viên pha lê có thể phát sáng theo thời gian thực ứng với nhịp đọc rap của cô, và chiếc đầm hai lớp Bubelle với các bộ cảm ứng giúp màu sắc thay đổi theo tâm trạng của người mặc.
Các thương hiệu cao cấp cũng không bỏ lỡ cuộc chơi. Karl Lagerfeld đã thử nghiệm công nghệ in 3D với các trang phục của mình. Tại buổi trình diễn bộ sưu tập haute couture mùa thu 2015 của Chanel, một số sản phẩm làm bằng chất liệu vải tweed đã được thiết kế bằng máy in 3D. Lagerfeld đã sử dụng công nghệ để biến mẫu thiết kế áo jacket tiêu biểu từ thế kỷ 20 của Chanel thành một tuyên ngôn thời trang của thế kỷ 21.
Vì ngành công nghiệp thời trang không ngừng thay đổi, phát triển để thích ứng với môi trường mới, và với sự tham gia của thương hiệu Chanel, chúng ta hãy cùng chờ xem sự phản ứng của các thương hiệu thời trang cao cấp khác trong lĩnh vực. Đây sẽ là một điều đáng mong chờ khi công nghệ in 3D nói riêng và công nghệ cải tiến mới nói chung được đưa vào ứng dụng bởi các thương hiệu thuộc lĩnh vực hàng xa xỉ.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi các thương hiệu cao cấp bắt đầu sử dụng công nghệ in 3D? Liệu khi đó, các hãng sẽ cung cấp những bản thiết kế trang phục và người sử dụng chỉ cần mua về và in tại nhà? Mặc dù tương lai là điều khó đoán nhưng chúng ta có thể thấy rằng độ phức tạp sẽ ngày càng gia tăng. Trong thời đại mới và đầy biến đổi này, thời trang chắc chắn sẽ luôn dịch chuyển về phía trước, không ngừng đổi mới và tiến hành những cuộc cách mạng trên cơ thể con người. Và khi đó, sự tương tác và mối quan hệ mật thiết giữa máy móc và con người chắc chắn sẽ ở trong tầm tay với.