Robbreport Viet Nam
Robbreport Viet Nam

    Thời của trang sức sạch

    Nếu thực sự quan tâm đến những quả trứng hay chuối hữu cơ, hẳn đã đến lúc bạn tìm hiểu sâu về viên ngọc mắt mèo trong đôi khuyên tai của mình.
    Ngày nay, chúng ta có nhiều cơ hội để cập nhật kiến thức về thực phẩm. Vậy nhưng, với những món trang sức lấp lánh, liệu chúng ta có hiểu rõ nguồn gốc những viên kim cương trên cổ tay mình?
    Với mức doanh thu trang sức toàn cầu dự kiến sẽ đạt mốc 292 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2020, có lẽ bây giờ là thời điểm thích hợp để tìm hiểu chi tiết những tạo vật lấp lánh này.
    Là người tiêu dùng thông thái, chúng ta có quyền được biết về gốc gác của món trang sức mà mình sở hữu, song có vẻ hiếm ai bỏ thời gian tìm hiểu dù rằng ngày càng nhiều công ty trang sức cung cấp đầy đủ thông tin về các thành phần trên nhãn hiệu sản phẩm.

    Thương hiệu đang dẫn đầu xu thế là Chopard. Vào tháng 3.2018, hãng chế tác đồng hồ – trang sức đến từ Thụy Sĩ đã thông báo về kế hoạch sử dụng 100% vàng “sạch” cho toàn bộ dòng sản phẩm của hãng. Theo thông tin từ Chopard, đây là loại vàng “được lấy từ những nguồn tin cậy, đạt tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội”, cụ thể vàng có nguồn gốc khai thác thủ công được Fairmined & Fairtrade giám sát, còn vàng từ những nhà máy tinh luyện được Responsible Jewellery Council chứng nhận.
    Vàng “sạch” là một vấn đề phức tạp, được giám sát bởi nhiều tổ chức, không chỉ về tác động của việc khai khoáng đối với môi trường, mà còn về điều kiện lao động, đối xử công bằng và hỗ trợ những cộng đồng chịu tác động tiêu cực từ việc khai thác. Chopard là một trong những “tay chơi lớn” đầu tiên đưa ra cam kết mạnh mẽ.

    Không chỉ có Chopard, rất nhiều nhà chế tác kim hoàn độc lập, tiêu biểu là Ana Khouri, nhà thiết kế và điêu khắc gia người Brazil hiện đang sinh sống và làm việc tại New York, đã cam kết chỉ sử dụng các chất liệu đến từ các nguồn đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức.
    “Chúng tôi luôn sử dụng vàng 18K có chứng nhận Fairmined trong suốt 5 năm qua”, Khouri chia sẻ. Cô đã chế tạo những mẫu khuyên tai bằng nghệ thuật điêu khắc từ những viên đá quý có thể truy xuất nguồn gốc như đá tanzanite lam tím và ngọc lục bảo từ Zambia. “Chúng tôi ủng hộ các phương thức khai thác vàng có trách nhiệm thông qua việc sử dụng các mẫu vàng đạt chuẩn Fairtrade và luôn lưu tâm đến những vấn đề liên quan đến đạo đức cũng như sự tác động đến môi trường”.

    Cũng chú ý đến khía cạnh đạo đức, nhà kim hoàn hiện đang sinh sống và làm việc tại Berlin, Lilian von Trapp, lại có hướng tiếp cận khác khi chỉ sử dụng vàng và kim cương cổ tái chế trong các thiết kế của mình. “Chúng ta không cần khai thác thêm nữa vì đã có đủ vàng trên thế giới rồi”, cô chia sẻ. Von Trapp đặc biệt quan ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động khai thác vàng đến mức cô đã hợp tác với Earthbeat Foundation, một tổ chức có sứ mệnh hướng dẫn cho các cộng đồng khai thác mỏ về những nguồn thu nhập thay thế.
    Gần đây, cô ra mắt chiếc dây chuyền phiên bản giới hạn từ vàng tái chế nhằm hỗ trợ cộng đồng khai thác vàng tại Uganda (châu Phi) hồi sinh các vùng đất ở đây thông qua việc trồng những loài cỏ vetiver hấp thụ độc tố, một loại cây trồng có thể thương mại hóa.

    Vốn là một nhà nhân chủng học xã hội, Pippa Small đã kinh doanh những món trang sức “sạch” trong suốt 20 năm qua. Năm 2018 đánh dấu một thập kỷ nhà thiết kế này hợp tác với Turquoise Mountain, một tổ chức được Thái tử Anh Charles thành lập vào năm 2006 nhằm khuyến khích và bảo tồn nghề thủ công tại Afghanistan và Myanmar. Dấu ấn của Small gồm 11 xưởng kinh doanh kim hoàn độc lập tại Afghanistan tuyển dụng 68 thợ thủ công và 150 thợ thủ công khác ở Myanmar. Tiếp đó, Small và Turquoise Mountain sẽ đến Jordan để làm việc với người tị nạn Syria, nhiều người trong số đó là nghệ nhân kim hoàn và thiết kế trang sức truyền thống của Syria.
    Là một trong những nhà cung cấp đá quý quy mô nhất thế giới có trụ sở tại Luân Đôn, công ty Gemfields luôn hoan nghênh khách hàng chất vấn về những món trang sức của họ. “Khách hàng nên đặt câu hỏi về nguồn gốc của từng thành phần riêng lẻ trong món trang sức cũng như về tính bền vững của các sản phẩm được cung cấp. Đối với một số loại đá đặc biệt, nhà kim hoàn có thể cung cấp thông tin về nguồn gốc xuất xứ”, Jack Cunningham, Giám đốc phụ trách Chiến lược bền vững, chính sách và rủi ro, chia sẻ.

    RELATED STORIES

    FOLLOW US