Trong những năm gần đây, dường như vạn vật xung quanh đang xoay vần với tốc độ chóng mặt. Điển hình là địa hạt thời trang, nơi mỗi hình ảnh được đăng tải lên mạng xã hội đều có tiềm năng trở thành mồi lửa thổi bùng những đám cháy lớn. Từ thị hiếu hoài cổ của một phần lớn các tín đồ trẻ tuổi muốn lưu giữ những vẻ đẹp xưa cũ, cho đến những chuyển biến táo bạo như việc phối trang phục bảo vệ ngoài trời với thời trang streetwear, hay cả hàng trăm xu hướng chớp nhoáng được châm ngòi bởi các sự kiện lớn đang xảy ra trong văn hoá đại chúng. Đặc biệt phải kể đến phong cách quiet luxury (tạm dịch: xa xỉ thầm lặng/kín đáo) – và những phong trào liên kết – đã gây chú ý, dấy lên nhiều cuộc đàm luận về đời sống thường nhật, sự phân bổ giai cấp, và thậm chí là cả bối cảnh chính trị toàn cầu.
Giờ đây, thời trang như một chiếc đồng hồ quả lắc đung đưa từ thái cực này tới thái cực kia chỉ trong giây lát, phản ánh phần nào cuộc sống trong không gian ảo và những biến cố xã hội khó lường.
Những phân cực rõ nét trong địa hạt thời trang

Đáng chú ý, trong năm qua, sự suy giảm của các mặt hàng xa xỉ – Gucci ghi nhận doanh thu quý 4/2024 giảm tới 24% – đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tương lai của thị trường trong năm tới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng người tiêu dùng không còn mua sắm sản phẩm thời trang cao cấp nữa, mà có thể đang dần thay đổi định nghĩa về phong cách, đa dạng hoá sự lựa chọn và không còn quá phụ thuộc vào những tập đoàn lớn. Bước vào nửa sau của thập niên 2020, người tiêu dùng cao cấp và các tín đồ phong cách sẽ ngày càng bộc lộ thị hiếu riêng biệt, phân cực ra những “trường phái” khác nhau trong thời trang, và dẫn đến nhiều nhu cầu đối lập.
Trong năm qua, giới thời trang đã chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của phong cách cổ điển – một phần như sự phản đối những phát kiến công nghệ đang đe doạ ngành sáng tạo, phần nữa thể hiện xu hướng nghiêng về những giá trị truyền thống và tư tưởng bảo thủ. Trong đó phải kể đến thẩm mỹ old money của nhiều KOL trẻ tuổi trên TikTok, hay trào lưu quiet luxury với những bộ trang phục giản dị mà vẫn thể hiện được đẳng cấp của người mặc. Năm 2025, một phiên bản mới của xu thế này sẽ lên ngôi, không còn bó buộc trong bảng màu trung tính và kiểu cách thoải mái, thay vào đó là nét sang trọng trong những thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục của tầng lớp trâm anh thế phiệt tại châu Âu.

Có lẽ không sự kiện nào đánh dấu sự khởi đầu của trào lưu này rõ hơn Lễ nhậm chức Tổng thống ngày 20/01/2025. Tại sự kiện này, gia đình và các đồng minh chính trị của Tổng thống Trump đã có một màn phô trương quyền lực qua những bộ cánh lấy cảm hứng trực tiếp từ phong cách Hoàng tộc Anh Quốc. Điển hình là bộ váy xanh lục của Ivanka Trump được thiết kế bởi Dior và mang nhiều nét tương đồng với trang phục lễ nghi của Công nương Kate. Tại buổi dạ tiệc, cô mặc một thiết kế của Givenchy phỏng theo bộ váy trắng thắt đáy lưng ong kinh điển của nữ diễn viên Audrey Hepburn – huyền thoại Hollywood xuất thân từ một gia đình quý tộc ở Brussels, Bỉ. Trong khi đó, “thái tử” Barron Trump xuất hiện lịch sự trong bộ suit navy sẫm nghiêm cẩn đính chi tiết cúc trang trí và khuy cài áo. Mặc dù nhận không ít chỉ trích vì cách “copy” những nghi thức trang phục của giới Hoàng tộc châu Âu, nhưng các vị khách mời đã đưa ra một định hướng phong cách có tầm ảnh hưởng lớn.
Ngay cả trên sàn catwalk mùa Thu-Đông 2025, người ta cũng bắt gặp nhiều bộ sưu tập mang nét quý phái cổ điển từ những nhà mốt nam quen thuộc như Brioni và Brunello Cucinelli. Không bị giới hạn bởi sắc trầm, các nhà thiết kế đưa bảng màu tông đá quý lên những chiếc áo suit, áo khoác len, và áo măng tô như một cách thể hiện vẻ quyền lực của quý ông. Một trong những món phụ kiện đáng chú ý trong mùa thời trang này là chiếc mũ – xuất hiện trên sàn diễn của Giorgio Armani, Dunhill, và Ralph Lauren với kiểu dáng, thiết kế đa dạng cùng chất liệu nhung và nỉ. Mũ từ xưa đã là điểm nhấn quan trọng trên những bộ cánh lịch sự của các quý ông, vậy mà trong gần nửa thế kỷ qua đã bị lép vế do sự ảnh hưởng của văn hoá trẻ và phong cách đường phố. Liệu năm 2025 có chứng kiến sự trở lại của món phụ kiện cổ điển này?

Ở một diễn biến khác, ngày càng nhiều quý ông chọn đi theo chủ nghĩa tối đa như một cách tiễn biệt thẩm mỹ đơn điệu của thời kỳ suy giảm kinh tế. Không chỉ xuất hiện ở sàn diễn hay thảm đỏ danh giá mà ngay cả trên những con phố thường nhật tại các trung tâm thời trang của thế giới, các nam nhân sẵn sàng thử nghiệm với màu sắc, kiểu dáng và hoạ tiết bắt mắt để tạo cho mình những phong cách thật riêng và chất. Đặc biệt phải kể đến thời trang đường phố của các quan khách tham dự triển lãm Pitti Immagine Uomo tại Florence trong tháng 1 vừa qua. Từ bộ suit kẻ với quần ống vẩy theo phong cách của thập niên 1970, phụ kiện sáng tạo, cho đến áo khoác có hoạ tiết vui nhộn, mỗi quý ông đều mang đến những điểm nhấn vô cùng cá tính, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của “loud” luxury.
Nhưng phong cách thời trang “ồn ào” này không đơn thuần ám chỉ gu thẩm mỹ nổi bật, mà còn là cách để các nhà thiết kế lên tiếng về những bất cập trong xã hội. Tại Tuần lễ thời trang nam Paris mùa Thu Đông 2025, nhà thiết kế Willy Chavarria đã cho khán giả của Kinh Đô Ánh Sáng chiêm ngưỡng màn trình diễn đậm văn hoá Latin cuồng nhiệt. Không chút do dự, các chico và chica rải bước tự tin trên đường băng trong những bộ suit đệm vai với dáng cắt cường điệu, mũ phớt rộng vành cài hoa hồng nhung, mang theo tràng hạt và cây Thánh giá như món kỷ vật không thể thiếu. Qua bộ sưu tập Tarantula này, dường như Willy Chavarria đang khắc hoạ một bức tranh về tinh thần đoàn kết của cộng đồng Mỹ Latin trong bối cảnh tư tưởng phân biệt chủng tộc ngày càng cực đoan.

Cũng tại Paris, Rei Kawakubo cho ra mắt bộ sưu tập Thu Đông 2025 của Comme des Garçons Homme Plus trong một toà nhà công nghiệp ở Quận 9. Với những bộ quân phục phá cấu trúc ráp chi tiết vạt áo hay ống tay ngược tỷ lệ, phối cùng mũ bảo hiểm đính hoa sặc sỡ, nhà thiết kế Kawakubo đã xây dựng một đội quân hùng hậu với nhiệm vụ phản đối những cuộc chiến tranh giai dẳng và truyền tải thông điệp hoà bình tới khắp mọi miền thế giới. Mang nhiều nét nổi loạn đặc trưng của CDG, bộ sưu tập gợi lại thẩm mỹ của các phong trào văn hoá thanh niên trong thế kỷ 20 như peacenik và punk để kêu gọi sự quan tâm hướng về những xung đột đang xảy xa quanh chúng ta.
Nếu quiet luxury đề cao sự tinh tế xa xỉ, thì loud luxury lại tập trung làm nổi bật tính nghệ thuật và cá tính riêng. Với phong cách “ồn ào” này, các nam nhân không cần ngại ngùng hay dè chừng với những lựa chọn thời trang, mà có thể tự do thử nghiệm và phối trang phục tuỳ theo cảm xúc, thẩm mỹ, và ý tưởng sáng tạo của chính mình để tạo nên những bộ cánh thu hút mà độc đáo.
Những giá trị nguyên bản

Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh các phong cách rẽ hướng riêng biệt, vẫn có một số xu thế chung có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường thời trang nói riêng và thị trường xa xỉ nói chung. Sự phát triển mạnh mẽ của những nhà thiết kế thời trang hay trang sức nội địa – đặc biệt là các thương hiệu lấy cảm hứng từ các giá trị di sản văn hoá địa phương – đang tạo nên trải nghiệm mới cho người tiêu dùng. Qua các nghiên cứu xã hội học, đây là biểu hiện của một xu hướng lớn hơn khi khách hàng cao cấp ngày càng tìm kiếm những tạo tác mang giá trị nguyên bản và ưa chuộng cách thể hiện phong cách chân thực với cá tính của bản thân. Nếu như trước đây nhiều người quan niệm rằng đẳng cấp phải được chứng tỏ bằng những bộ trang phục hay món phụ kiện hàng hiệu, thì giờ đây với sự hiểu biết rộng và nguồn thông tin vô tận, người tiêu dùng có thể chọn tìm hiểu sâu hơn về các thương hiệu di sản, những nhà thiết kế trẻ, hay xưởng chế tác độc đáo.
Xu hướng ưa chuộng những thương hiệu bản xứ này khá phổ biến ở các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Một trong những nguyên nhân đằng sau sự chững lại của các tập đoàn xa xỉ lớn là vì người tiêu dùng nơi đây – đặc biệt là tại Trung Quốc – không còn quá hứng thú với những thương hiệu quốc tế. Thay vào đó, họ dành sự quan tâm cho các nhà thiết kế nội địa như một cách để kết nối với các giá trị truyền thống và đồng thời hoan nghênh ngành nghề sáng tạo trong nước. Trong tuần lễ thời trang nam vừa qua, khán giả quốc tế cũng đã có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều bộ sưu tập mới mẻ của những nhà mốt đến từ châu Á lấy cảm hứng từ văn hoá bản địa, chẳng hạn như Kartik Research – thương hiệu Ấn Độ đầu tiên có mặt tại Tuần lễ thời trang Paris – và Lựu Đạn – thương hiệu được thành lập bởi nhà thiết kế gốc Việt Hùng La. Mặc dù nhiều luồng ý kiến cho rằng sự thay đổi rõ rệt trong thói quen và thị hiếu tiêu dùng này sẽ có ảnh hưởng không mấy tích cực đến mảng thời trang cao cấp, nhưng có thể đây cũng là một dịp để các thương hiệu phát triển đột phá, thu hút những nhóm khách hàng đa dạng, sẵn sàng thử nghiệm với các phong cách mới mẻ, độc đáo mà vẫn gần gũi với đời sống thường nhật.

Trên đà xu thế này, thị trường Việt Nam cũng đang chứng kiến nhiều bước tiến lớn trong mảng thời trang cao cấp. Các nhà mốt mới ngày càng nhận được sự quan tâm từ các tín đồ phong cách trong nước và quốc tế, trong khi đó, các nhà may bespoke cho phép khách hàng được tuỳ chỉnh các chi tiết, tạo nên những bộ cánh vừa vặn hình thể và đúng với với kỳ vọng. Năm vừa qua chứng kiến nhiều phát kiến vượt bậc bởi các nhà thiết kế Việt hướng về sự phát triển bền vững. Điển hình là bộ sưu tập Thu Đông 2024 của nhà thiết kế Lê Thanh Hoà với những bộ cánh ấn tượng lấy cảm hứng từ cảnh quan núi rừng Việt Nam được làm từ lụa Mã Châu truyền thống.
Tại cuộc thi Sustacia Fashion Prize 2025, KHAAR của nhà thiết kế Ngô Hoàng Kha đã trở thành thương hiệu Việt duy nhất được tuyển chọn vào chung kết nhờ những ý tưởng kết hợp công nghệ 3D vào thời trang với mục đích giảm thiểu rác thải may mặc. Nhà thiết kế Trần Hùng cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận quốc tế khi hai thiết kế của anh được ca sĩ Ariana Grande lựa chọn để “diện” trong những buổi chụp hình album và chiến dịch quảng cáo. Không chỉ về thiết kế và may đo trang phục, mà cả những ngành nghề đòi hỏi quy trình chuyên nghiệp và tay nghề tinh xảo bậc nhất như chế tác trang sức cũng đang phát triển từng ngày.

Một trong những thương hiệu uy tín nhất trong ngành thiết kế và chế tác trang sức cao cấp “made in Vietnam” là Leman Jewelry. Suốt nhiều năm qua, với những tạo tác trang sức mang vẻ đẹp yêu kiều mà lộng lẫy, Leman Jewelry là sự kết tinh từ di sản kim hoàn gia truyền cùng những nghiên cứu chuyên sâu về của nghệ sĩ trang sức và chuyên gia thẩm định đá quý quốc tế Ngọc Đoàn. Mang phong cách thiết kế đặc trưng lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên như hoa cỏ, dòng nước, hay tre trúc, các tạo tác của Leman thu hút khách hàng cao cấp ở mọi lứa tuổi – từ các ngôi sao ca nhạc, tín đồ phong cách trẻ trung, cho đến những quý ông quý bà lịch lãm. “Theo tôi, thiên nhiên là hiện thân hoản hảo nhất của sự nguyên bản.” – nghệ sĩ Ngọc Đoàn chia sẻ với Robb Report Việt Nam khi nâng niu trên tay đôi hoa tai vàng trắng tạc theo hình thân tre nhiều đốt, điểm xuyết những chiếc lá ngọc lục bảo. “Dù là vàng bạc, đá quý, hay con người – tất cả cũng đều từ thiên nhiên, Tạo hóa mà ra.”
Giá trị nguyên bản và chân thực của Leman Jewelry không chỉ đến từ góc nhìn sáng tạo riêng biệt, mà còn nằm ở vẻ đẹp thuần khiết trong từng viên đá quý – đặc biệt là những viên spinel đa sắc được tinh tuyển từ mỏ khai thác Lục Yên với đặc tính trong trẻo và ánh phản quang nhẹ nhàng như mặt nước. Kết hợp tài nguyên khoáng sản địa phương, tay nghề của các nghệ nhân trong nước, cùng thẩm mỹ cá nhân của nhà thiết kế, mỗi tác phẩm trang sức của Leman Jewelry là minh chứng cho sự tinh xảo của ngành chế tác kim hoàn Việt. Ngoài ra, dịch vụ thiết kế trang sức bespoke của nghệ sĩ Ngọc Đoàn cũng rất được khách hàng yêu thích.