Số tiền thu được được dùng để bảo tồn di sản của Champ de Bataille cho các thế hệ tương lai.
Nhà sưu tầm và thiết kế nội thất người Pháp Jacques Garcia nổi danh với nhiều công trình xa hoa và sang trọng bậc nhất thế giới – từ khách sạn La Mamounia ở Marrakech, khách sạn Costes ở Paris cho đến những căn phòng được trang trí công phu ở Louvre và Versailles. Dự án gần đây nhất của ông là Villa Elena ở Noto, một biệt thự tráng lệ trên hòn đảo Sicily từng xuất hiện trong loạt phim The White Lotus.
Năm 1992, Garcia mua lại Champ de Bataille, một trong những tòa nhà quyến rũ nhất tại Pháp với khu vườn riêng lớn nhất ở châu Âu như một nơi trưng bày bộ sưu tập các đồ vật nghệ thuật khổng lồ của mình. Bộ sưu tập của Jacques Garcia tại không gian Champ de Bataille là sự tôn vinh nghệ thuật trang trí của thế kỷ 17, 18 và 19, tập hợp các món đồ nội thất, đồ sứ và tác phẩm điêu khắc độc đáo. Trong số những kiệt tác đó, không thể không nhắc đến các tạo tác quý hiếm thuộc sở hữu của Hoàng gia – từ Vua Louis XV và Louis XVI, Nữ hoàng Marie Leszczynska và Marie-Antoinette, Vua William III và Nữ hoàng Mary II của Anh, Scotland và Ireland, Bá tước Provence và Công tước của Penthièvre và Lorraine, cho đến Hoàng đế Napoléon và Rothschilds.

Có thể kể đến các món đồ nội thất theo phong cách Tân cổ điển do nhà sản xuất nổi tiếng Paris Georges Jacob thực hiện cho Nữ hoàng Marie- Antoinette. Đó là bộ ghế sofa và bốn ghế bành bọc lụa nhiều màu trên nền ngà được đặt riêng cho Nữ hoàng Marie-Antoinette tại lâu đài Fontainebleau. Set đồ này được bán với mức 825,500 euro, trong khi chiếc bàn console của Adam Weisweiler – một trong những tác phẩm cuối cùng do Louis XVI và Marie-Antoinette đặt hàng – cũng được bán với giá tương tự.

Các tín đồ gốm sứ cổ cũng không thể bỏ qua một trong những món đồ sứ Sèvres quý hiếm nhất – cặp bình Lagrenée kích cỡ lớn với nền màu tím rực rỡ, có niên đại 1797. Trong lịch sử lâu đời của mình, cặp bình này đã thuộc về một số bộ sưu tập danh giá nhất châu Âu: được mua tại xưởng sứ Sèvres vào tháng 12 năm 1799 trước khi được tặng cho Vua Charles IV của Tây Ban Nha vào khoảng năm 1800, sau đó được Alexander Hamilton (Công tước thứ 10 của Tây Ban Nha) mua lại vào năm 1807-1808 và truyền lại cho Công tước thứ 12 của Hamilton, William Alexander Louis Stephen Douglas- Hamilton. Cặp bình này được bán với mức 825,500 euro, trong khi một chiếc bình sứ Sèvres khác màu xanh mã não của vua Louis XVI được bán với mức 533,400 euro.

Có thể kể đến một số món đồ nội thất quý hiếm khác như chiếc tủ khảm hoa từ thời Louis XV, được cho là của Antoine-Robert Gaudreau mang dấu ấn của cháu trai Louis XIV, Công tước Penthièvre – một trong những quý ông giàu có nhất vào thời đó ở Normandy. Trong khi đó, một cặp tủ được trang trí vô cùng tinh xảo với sơn mài Nhật Bản và giá đỡ bằng bạc từ thời Edo (khoảng 1640-1680) thuộc bộ sưu tập của Vua William III và Nữ hoàng Mary II của Anh cho thấy những ảnh hưởng mạnh mẽ của người Flemish và Hà Lan trong thời kỳ trị vì của họ, cũng như thiên hướng về các yếu tố Đông Á.