Thông thường, các bản in đầu tiên của những tiểu thuyết như Giết con chim nhại hay Ông già và biển cả sẽ được bán đấu giá ở mức trên dưới 100 ngàn USD. Tuy nhiên, ấy là khi sách còn nguyên vẹn, chưa rách rời dù chỉ một trang. Thực tế, việc phục chế nguyên trạng cho một cuốn sách là điều gần như bất khả, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể “cứu” chúng theo cách tốt nhất có thể.
Không giống với các món đồ cổ khác, giá trị và tuổi thọ của các tác phẩm văn học ít bị ảnh hưởng bởi công việc phục chế. Nhà sách Chelsea của Luân Đôn thậm chí còn sáng tạo đến mức biến những bản in đời đầu thành các ấn phẩm bắt mắt hơn cả bản gốc. “Kiểu đóng gáy mang tính nghệ thuật sẽ biến cuốn sách thành món đồ sưu tập với sức hút khó lường.” – Emma Doyle – Giám đốc nhà sách – cho hay.
Phải mất khoảng 12 tuần để đóng gáy 1 cuốn sách với chi phí khởi điểm khoảng 1.800 USD. Thậm chí, nhà sách còn có thể bổ sung loại vàng 22k cho việc đóng gáy. Các nghệ nhân của Chelsea từng khảm kim cương thứ thiệt lên bản đầu tiên của cuốn tiểu thuyết Breakfast at Tiffany’s.

1. Đường kim mũi chỉ
Trong ngành xuất bản, việc đóng gáy bằng chỉ thêu tay sẽ làm tăng độ bền cuốn sách và không tạo ra cảm giác quá thô kệch. Thường thì người đóng sách sẽ dùng kim chỉ để kết nối từng tệp với nhau. Tính trung bình, một chương sách sẽ mất khoảng vài giờ đóng gáy.

2. Mạ vàng
Một khi các trang sách đã được đóng gáy, phần rìa ngoài sẽ được đánh bóng trước khi mạ vàng. Việc này sẽ ngăn bụi bẩn bám vào các trang sách. Ngày xưa, các nhà sách hầu như chỉ mạ phần rìa trên nhưng nhà sách Chelsea lại kỳ công mạ vàng cả ba phần rìa của sách.

3. Công đoạn gõ búa
Tiếp theo, nghệ nhân sẽ đặt cuốn sách lên một mặt phẳng và gõ liên tục vào phần gáy bằng một dụng cụ đặc biệt với tên gọi “búa gáy”, qua đó tạo nên hình dáng đặc thù cho phần gáy sách. Sau đó, cuốn sách được ép bằng máy theo chiều dốc đứng cho đến khi giữ được hình thù theo kiểu cố định.

4. Lên bìa
Phần bìa trước và sau của sách là những thành tố vô cùng quan trọng. Thường thì phần bìa cứng sẽ được đo sao cho dư ra khoảng 4mm sau đó được cắt bằng máy xén rồi gắn vào sách bằng keo PVA chuyên dụng.

5. Khâu viền
Một miếng viền sẽ được khâu ép vào gáy sách với 2 đến 3 loại chỉ khác nhau. Dĩ nhiên, màu sắc của chúng phải tương đồng với rìa sách cũng như màu bìa da. Chi tiết này không chỉ có vai trò trang trí mà còn giúp tăng độ bền cho cuốn sách khi được xếp chồng lên kệ.

6. Tỉa da
Da thuộc – trong trường hợp này là da dê – được đo sao cho bằng với khổ bìa rồi tỉa tót bằng loại bào khum cỡ nhỏ.

7. Ép bìa da
Trước khi ép da vào bìa, nghệ nhân tạo ra các viền nổi chạy dọc theo gáy sách bằng cách kết dính ba mảnh da nhỏ với nhau rồi cắt chúng thành các viền nhỏ với đường kính từ
3 đến 4mm, sau đó dán keo từng viền một. Bìa da sẽ được làm mềm còn bìa cứng sẽ được bôi keo kết dính. Lớp bìa da được ép quanh cuốn sách và được ép bằng nẹp để ôm chặt phần gáy. Chính bộ nẹp sẽ giúp tấm da ôm chặt các viền.

8. Công đoạn hoàn thiện
Trong giai đoạn hoàn thiện, Doyle phải chọn cách trang trí bìa sách sao cho phù hợp với thể loại và thời gian ra đời của sách. Trong một số trường hợp, nghệ nhân phải tạo ra các đường kẻ và họa tiết đặc biệt làm từ vàng 22 carat.

9. Quy ước đặt tên
Tiêu đề và ngày xuất bản sẽ được đóng dấu vào phần gáy sách bằng chất liệu vàng lá. Loại máy in đặc biệt này là phát kiến của nhà Zaehnsdorf từ 100 năm trước. Đến hiện tại, đây vẫn là dòng máy lâu đời bậc nhất ở Anh quốc.

10. Kết thúc
Một nghệ nhân sẽ cắt các mảnh da màu để ép lên bìa theo các hình thù mong muốn. Hai trang đầu cuối sẽ được kết dính vào bìa. Thường thì hai trang này sẽ được lựa chọn tùy theo thời đại ra đời của sách.