Adrian Hallmark, CEO mới của thương hiệu Aston Martin cho hay: “Câu chuyện của các thương hiệu xa xỉ đã thay đổi hoàn toàn trong khoảng 10 đến 20 năm qua. Trước đây, chỉ một nhóm nhỏ giới siêu giàu đủ tiềm lực tài chính để mua những chiếc Bentley hay Aston Martin. Giờ đây, con số này và giá trị tài sản của họ đã tăng lên gấp bốn. Tuy nhiên, doanh số thị trường xe sang toàn cầu (mức giá trên 150 ngàn USD) vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 70.000 xe/năm. Rõ ràng, thị trường xa xỉ đã bùng nổ rất mạnh và Aston Martin hoàn toàn có cơ hội phát triển.”
Điều này khiến Hallmark chuyển từ Bentley sang Aston Martin. “Tôi yêu Bentley và có 15 năm ở đó cùng một lộ trình rõ ràng cho khoảng 3 đến 4 năm tới. Tuy nhiên, cơ hội lần này thật khó cưỡng lại. Tôi muốn mình là người đầu tiên biến Aston Martin thành thương hiệu có lợi nhuận bền vững sau 112 năm.” – ông bộc bạch.

Hallmark là nhân vật có bề dày kinh nghiệm trong ngành xe cộ với nhiều cương vị khác nhau tại Porsche Cars GB, Volkswagen, Jaguar Land Rover cho tới Bentley. Ông chính thức đảm nhận vai trò CEO Aston Martin từ tháng 9 năm ngoái.
Dĩ nhiên, ông có nhiều thứ để làm tại hãng xe Anh quốc. “Trong 4 năm qua, dưới sự lèo lái của Lawrence Stroll, hãng phát triển rất nhiều sản phẩm mà cụ thể là 4 mẫu xe mới chỉ trong 18 tháng. Thật là tôi chưa bao giờ thấy một tham vọng lớn đến nhường ấy. Chưa ai từng thử làm điều tương tự. Mọi việc gần đi tới đích. Dĩ nhiên, không phải chiếc xe nào cũng hoàn hảo từ ban đầu, chưa kể những lần trễ hẹn, nhưng tham vọng và chi tiêu của Aston Martin là hoàn toàn đúng đắn.” – Hallmark nhận định.
Giờ đây, ông muốn phát huy lợi thế của các dòng sản phẩm mới theo cách chưa từng có tiền lệ. Những mẫu xe cốt lõi – từ Vantage, DB12, Vanquish cho tới DBX – đều được đặt đúng vị trí về mặt thiết kế, hệ thống thông tin giải trí và hiệu năng. Hallmark muốn mở rộng danh mục sản phẩm bằng nhiều biến thể – một nhiệm vụ sống còn nhằm tối ưu hoá khoản đầu tư 2,46 tỉ đô dành cho Aston Martin.

“Nếu bạn nhìn sang Porsche, họ có tới 15 biến thể của chiếc 911 trong khoảng thời gian 5 năm. Với những ai mua chiếc Vantage, nên tạo cơ hội cho họ mua một phiên bản tốt hơn sau khoảng 2 năm. Aston Martin chưa có thế mạnh trong việc đổi mới vòng đời xe cộ nên trong nhiều tháng qua, chúng tôi ngồi lại để phân tích chính bản thân và các đối thủ nhằm đưa ra kế hoạch cụ thể cho mỗi dòng xe.” – vị CEO chia sẻ.
Dĩ nhiên, dù tung ra nhiều biến thể mới, Aston Martin không thể chạy đua số lượng với chiếc 911. Aston Martin sẽ tập trung vào những phân khúc khả thi hơn. Ông đề nghị cấp dưới của mình thống kê những tuỳ chọn mà các hãng xe sang hiện có.
Hallmark cho hay: “Tôi nói với họ: Quên tuỳ biến đi. Hãy tập trung vào những tuỳ chọn thiết yếu. Hãy cộng gộp “đồ chơi” các hãng, rồi trừ đi con số Aston Martin đang có xem con số là bao nhiêu. Kết quả là 190.”

Có những tuỳ chọn kiểu “Bầu trời đầy sao” trên đối thủ Rolls-Royce mà Aston Martin không nên “bắt chước”. Tuy nhiên, có cả trăm thứ khác hãng có thể làm, từ ống xả titanium, mâm các-bon, âm thanh cao cấp cho tới nhiều thứ khác. Theo Hallmark, giá trị của chúng là vô kể, giúp làm tăng giá trị chiếc xe và chiều theo ý thích của khách hàng. Do đó, xe Aston Martin trong tương lai sẽ đặc biệt hơn, dễ nâng cấp hơn. Hallmark cho hay, chiếc Valhalla không thể có giá “mềm” do hai đối thủ là Ferrari F80 và McLaren W1 có giá khá “chát”.
Với chiếc DBX, vị CEO cho rằng chiếc SUV được ra mắt trong thời đại dịch Covid nên chưa gây tiếng vang cho lắm. 6 trên 10 khách chơi xe còn chưa nghe tên DBX. Thành ra, Aston Martin sẽ chú trọng hơn nữa vào chiếc SUV siêu sang trong vài ba năm tới.

Nói về xu thế xe điện, ông cho rằng có những thứ “tưởng vậy mà không phải vậy.” Những tiểu bang như California của Hoa Kỳ và nhiều bang khác vẫn nhất quyết “cấm cửa” xe động cơ đốt trong vào năm 2035. Aston Martin sẽ ra mắt mẫu xe thuần điện đầu tiên trong thập kỷ này, nhưng nhất định bổ sung xe lai hợp cho tới năm 2035. Dự kiến, hãng xe Anh quốc sẽ điện hoá toàn phần từ 2035 đến năm 2040. Tất nhiên, hãng sẽ không vội vàng đi trước thị trường vì phải cân nhắc đến chuyện lợi nhuận.
Kể từ khi nhậm chức, ông đã đề nghị tăng vốn thêm 307 triệu USD nhằm “đảm bảo an toàn”. Đây đã là lần tăng vốn thứ 6 của Aston Martin kể từ khi Stroll tiếp quản thương hiệu. Trong thời điểm Aston Martin đang chuẩn bị công bố báo cáo tài chính cập nhật, Hallmark chưa thể tiết lộ về thời điểm mà hãng làm ăn có lãi. Tuy nhiên, ông cũng nhắc nhớ rằng, tại Bentley, nhiệm vụ chính của ông là “không để hãng phải đòi hỏi thêm tiền.”

Hallmark nhấn mạnh, Aston Martin phải tạo ra giá trị thay vì số lượng trong 5 năm tiếp theo. Nói là làm, ngay khi vừa nhậm chức, ông cắt giảm doanh số dự kiến năm 2024 từ 7000 xe xuống 6000 xe. Lý do là ngay cả thời hoàng kim, Ferrari vẫn chưa bao giờ bán quá 7000 xe, nhưng doanh thu lại rất đáng ngưỡng mộ. Điều Aston Martin cần là “biên độ lợi nhuận và chi phí phù hợp.” Ông ví von, nếu kết hợp những “đặc sản” của Aston Martin với thế mạnh cốt lõi của Bentley, lợi nhuận có được sẽ tương đương Ferrari.
Mọi thứ xem ra rất khả quan, nhất là khi nhìn vào những dòng sản phẩm mới để giúp Aston Martin lần đầu tiên có lợi nhuận bền vững sau 112 năm khốn khó, giống như cách mà Hallmark “lật ngược tình thế” tại Bentley. Dĩ nhiên, xe cộ sẽ là yếu tố cốt lõi. Tại Aston Martin, mọi người không thể phấn khích theo kiểu “xoá nháp làm lại” sau dăm mười phút, mà phải thật bình tâm vững chí. Hay như lời kết của Hallmark: “Ở đây, tôi muốn mọi thứ thật yên tĩnh, bình lặng, nhàm chán…và thành công. Sứ mệnh nó là như thế.”