Robbreport Viet Nam
Robbreport Viet Nam

    Phía sau “bước tiến thần tốc” của golf Việt

    Golf Việt và hành trình chuyển hóa từ một thú chơi dành cho giới nhà giàu thành lĩnh vực giải trí cao cấp.

    Những mốc son mới trên bản đồ golf Việt

    6 năm trở lại đây, bản đồ golf Việt dần có nhiều điểm đến mới từ Bắc chí Nam với ít nhất 20 sân mở cửa, trung bình cứ 3 tháng có 1 sân ra mắt, là tác phẩm của các tên tuổi lừng danh thế giới như Sir Nick Faldo, Greg Norman, Jack Nicklaus-Nicklaus Design, Schmidt & Curley, Robert Trent Jones, Luke Donald, IMG…
    Năm 2013, sân golf 18 lỗ Laguna Golf Lăng Cô do Sir Nick Faldo thiết kế, bắt đầu đi vào hoạt động. Khai trương vào 2014, một năm sau, sân The Bluffs thuộc Khu phức hợp Hồ Tràm Strip đăng cai giải Hồ Tràm Open với quỹ thưởng 1 triệu USD thuộc hệ thống Asian Tour, quy tụ các ngôi sao chuyên nghiệp trên thế giới và mang danh hiệu “Giải đấu xuất sắc nhất trong năm của Asian Tour”.

    Trong 2015 – 2016, Tân Sơn Nhất Golf Club, FLC Samson Golf Links, The Dalat at 1200 Golf Club, Bà Nà Hills Golf Club… ra mắt. Từ 2017 tới 2018, có thêm 10 sân mở cửa với Vinpearl Golf Hải Phòng, FLC Hạ Long Golf Club, Stone Valley Hà Nam, FLC Quảng Bình Golf Links, Vinpearl Nam Hội An, Harmonie Golf Park Bình Dương, West Lakes Golf & Villas Long An, KN Golf Links Cam Ranh…
    Phong cách thiết kế của các sân khá đa dạng, từ kiểu ven biển (links), công viên (parkland), đến đầm lầy, đồi núi… với đặc trưng riêng, mang lại trải nghiệm mới mẻ. Có những sân được vinh danh tại các giải thưởng uy tín tầm quốc tế World Golf Awards, Asian Golf Awards như Bà Nà Hills Golf Club, The Bluffs, KN Golf Links…
    Trong tiến trình đó, các tập đoàn lớn chiếm thế thượng phong khi phát triển hệ thống sân riêng như BRG ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; Vinpearl Golf và FLC bành trướng ở nhiều tỉnh thành, riêng FLC từng bày tỏ tham vọng phát triển 20 sân đến năm 2020.

    Dự kiến cuối năm nay, Hoiana Shores Golf Club, sân 18 lỗ do Robert Trent Jones II thiết kế với nhóm nhà đầu tư gồm VinaCapital, VMS Investment Group, SunCity Group, sẽ mở cửa đón khách, mang nhiều kì vọng sẽ góp thêm sức hút cho ngành công nghiệp du lịch-golf Việt.
    Liên minh Vietnam Golf Coast ở miền Trung vừa được thành lập vào đầu năm quy tụ 6 sân golf đẳng cấp: BRG Đà Nẵng Golf Resort, Laguna Golf Lăng Cô, Bà Nà Hills Golf Club, Montgomerie Links, Vinpearl Golf Nam Hội An và Hoiana Shores Golf Club, được kỳ vọng sẽ có chiến lược hấp dẫn giúp các sân golf trở thành điểm đến không thể bỏ qua với các golf thủ quốc tế.

    Quả ngọt trên những đường golf

    Sự bùng nổ số lượng sân đồng nghĩa với sự cạnh tranh. Sân golf dù có đẹp, hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế cao đến đâu thì cũng sẽ chóng lụi tàn nếu không có khách. Sau lễ khai trương hoành tráng, các sân trở về với bài toán kinh doanh. Khách không chỉ chơi golf mà còn muốn tận hưởng các dịch vụ có phí khác. Ngoài phí sân, phí caddie, thuê xe điện, bồi dưỡng caddie, danh mục chi tiêu của đa số người chơi còn có lưu trú và ẩm thực tại sân, thỉnh thoảng mua sắm trong cửa hàng đồ golf.
    Bài toán doanh thu của một sân golf chỉ có một ẩn số X – Golfer. Trong bài toán ấy, có sân chỉ có tham số chơi golf, ẩm thực; có sân thêm mảng lưu trú, sự kiện, giải trí. Nếu “X” là số nhiều và hiện diện ở càng nhiều mảng tham số thì doanh thu của sân sẽ càng cao.

    Thực tế, bài toán doanh thu của sân golf không đơn giản. Danh mục chi phí vận hành lẫn tái đầu tư rất nhiều, như bảo dưỡng sân hàng tuần, duy trì, tôn tạo cảnh quan, chi lương, thưởng chế độ cho nhân viên, lực lượng lao động trên sân hàng trăm người, thay thế trang thiết bị hỏng, bảo trì máy móc, chi phí điện nước… Nếu muốn phục vụ khách buổi tối, sân phải đầu tư hệ thống chiếu sáng với chi phí không dưới 30 tỷ đồng. Tùy điều kiện thị trường, lợi thế sản phẩm, mức độ thấu hiểu nhu cầu mà mỗi sân có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh riêng.
    Nếu một sân golf được phát triển và vận hành thành công thì sẽ cần bao lâu để hòa vốn? Đại diện của một sân golf lớn ở miền Trung chia sẻ: “Tỉ suất sinh lợi phụ thuộc vào giá trị đầu tư ban đầu. Một dự án đầu tư 5-10 triệu USD có thể cần từ 8-20 năm để hòa vốn, trong khi dự án 20-35 triệu USD thì chỉ sinh lợi khi có một chiến lược kinh doanh bất động sản-du lịch mạnh mẽ đi kèm…”.
    Có thể thấy được tín hiệu khả quan khi một số sân hiện đã vào giai đoạn thu hồi vốn, nhanh hay chậm tùy độ nhạy bén với tình hình và tiềm lực tài chính để trụ vững và phát triển. Nói chung, các sân phải vừa tái đầu tư vừa nâng tầm dịch vụ-tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giới golf thủ giàu có. Cần thêm một chặng đường dài để các sân golf hái được quả ngọt vào tay.

    RELATED STORIES

    FOLLOW US