Robbreport Viet Nam
Robbreport Viet Nam

    Phạm Lê: “Chúng tôi luôn mong muốn trở thành những người sưu tập có trách nhiệm”

    Triễn lãm Hoạ Duyên Tương Ngộ: Trần Phúc Duyên mang ý nghĩa đặc biệt đối với nhà sưu tập Phạm Lê, là hành trình đưa chính nhà sưu tập quay về với những giá trị tinh thần và thẩm mỹ Việt Nam mà họ luôn tin tưởng, Phạm Lê chia sẻ với Robb Report Việt Nam trong một phỏng vấn độc quyền.

    Xin chào hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (gọi tắt là Phạm Lê). Các anh có thể giới thiệu một chút về bản thân? Cơ duyên và động lực nào đưa hai anh đến với công việc của nhà sưu tập?

     

    Trước hết xin được cảm ơn Robb Report Việt Nam đã ưu ái dành thời gian cho tôi được chia sẻ câu chuyện sưu tập của Phạm Lê Collection. 

     

    Chúng tôi sang Châu Âu du học rồi ở lại lập nghiệp tại Anh trước khi chuyển về châu Á làm việc. Là những người yêu thích nghệ thuật từ nhỏ, chúng tôi luôn quan tâm đến hội họa kề từ thời sinh viên. Khi còn ở Châu Âu, chúng tôi thường xuyên đi thăm các bảo tàng và phòng tranh. Trong một chuyến du lịch Pháp vào năm 2015, chúng tôi ghé vào một gallery nhỏ đang trưng bày một số tác phẩm của Andre Maire vẽ phong cảnh Việt Nam. Trong số đó có một bức tranh với tông màu đỏ cam vẽ ba người phụ nữ đang ngồi nói chuyện, phía xa là một nhóm ba thiếu nữ đội nón lá đang nhìn ra bờ sông nơi có một chiếc thuyền đang đậu bến. Chúng tôi thích gam màu mạnh đầy tính “dã thú” và hình ảnh quê hương Viêt Nam của bức tranh nên đã quyết định mua bức tranh để treo tại căn hộ của mình. Đây chính là điểm khởi đầu cho quá trình sưu tập tranh sau này của chúng tôi

     

    Các anh có thể chia sẻ về trải nghiệm đầu tiên của mình về nghệ thuật/hội hoạ với tư cách là nhà sưu tập?

     

    Lúc đầu chúng tôi chưa nghĩ gì về việc sưu tập, mà chỉ đơn thuần là mua một vài bức tranh để treo trong nhà. Là những người tò mò, chúng tôi tìm đọc nhiều nguồn tài liệu khác nhau về Mỹ thuật Việt Nam. Một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhiều đến hướng sưu tập của chúng tôi là cuốn sách viết về họa sĩ Joseph Inguimberty, người thầy Pháp đã gắn bó với trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong suốt 20 năm từ năm 1925 đến năm 1945. Chúng tôi đã bị mê hoặc bởi các tác phẩm thấm đẫm tình yêu con người và đất nước Việt Nam của ông. Hình ảnh đất nước như đang trải ra trước mắt chúng tôi – từ những cánh đồng xanh màu mạ non của Ba Vì, Hà Tây, tới cảnh những những người nông dân ra đồng, hay những cô gái tân thời mặc áo dài duyên dáng. Tình yêu và nỗi nhớ nhà đã là tiền đề khiên chúng tôi có ý tưởng sưu tập các tác phẩm của những họa sĩ Pháp sang sống và làm việc tại Việt Nam. Nếu như cuộc gặp tình cớ với tác phẩm của Andre Maire là chất dẫn kết khiến chúng tôi đặc biệt tìm hiểu và đọc thêm nhiều về mỹ thuật thời kỳ đầu thế kỷ 20, đặc biệt là các họa sỹ Pháp vẽ Việt Nam, thì những bức tranh của Inguimberty là những tác phẩm đầu tiên chúng tôi mua với một ý niệm sưu tập.

     

     “Khẩu vị” sưu tập của hai anh thay đổi ra sao so với thời điểm mới bắt đầu công việc sưu tập?

     

    Khi bắt đầu sưu tập, chúng tôi đã xác định hướng đi của mình là tập trung vào các họa sĩ Pháp tại Đông Dương, đặc biệt là những người thầy từng giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Về cơ bản, hướng đi này của chúng tôi không có gì thay đổi nhưng trong quá trình sưu tập, chúng tôi dần dần có những tiêu chí kỹ càng hơn khi chọn tác phẩm. Ví dụ, lúc đầu chúng tôi chỉ đủ điều kiện mua các tác phẩm phác thảo của Inguimberty và những tranh khổ nhỏ, dần dần khi có tích lũy nhiều hơn và có hiểu biết kỹ hơn, chúng tôi đã mạnh dạn hơn khi sưu tập thêm các tác phẩm sơn dầu và khổ lớn hơn của ông. 

    Chúng tôi rất coi trọng nguồn gốc và câu chuyện của các tác phẩm nên với chúng tôi, việc sưu tập luôn đi kèm với nghiên cứu. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với gia đình của các cố họa sĩ để hiểu thêm về tác phẩm cũng như cuộc đời và con người của họ. 

    Điều gì mà hai anh cảm thấy hối tiếc nhất trong quá trình sưu tập của mình?

     

    Chúng tôi cũng có rất nhiều điều hối tiếc. Đáng tiếc nhất có thể kể đến như việc (nhiều lần) mua hụt các tác phẩm quý vì lưỡng lự hay vì lúc đó kẹt tài chính, những lần do thiếu hiểu biết nên đã không dám mua những tác phẩm của các tác giả rất hiếm gặp của Mỹ thuật Việt Nam thời đầu, hay việc chúng tôi đã thay một khung gốc vô cùng quý của bức tranh được triển lãm tại Đấu Xảo 1931 trong quá trình chăm sóc và bảo quản tác phẩm. Những điều đáng tiếc này chính là bài học giúp chúng tôi nhận ra rằng công việc sưu tập chân chính đòi hỏi mình cần phải có kiến thức rất sâu về lịch sử hội họa nói chung và về các tác giả nói riêng; và việc cố gắng bồi đắp thêm kiến thức luôn phải được chú trọng.

     

    Tiêu chí của hai anh khi lựa chọn một tác phẩm nghệ thuật là gì? Yếu tố nào là quan trọng nhất với các anh khi lựa chọn hoặc đánh giá một tác phẩm nghệ thuật?

     

    Với chúng tôi, một tác phẩm nghệ thuật trước hết phải đẹp, giàu tính thơ và cảm xúc. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để chúng tôi lựa chọn các tác phẩm nghệ thuật cho bộ sưu tập của mình. 

     

    Với định hướng sưu tập rõ ràng như chia sẻ ở trên, chúng tôi khá tập trung vào tuyến các tác phẩm và tác giả đã chọn. Nghệ thuật Việt Nam rất đa dạng và có chiều dày lịch sử nên chúng tôi chọn hướng đi hẹp hơn để có thể tập trung nguồn lực của mình. Vì vậy, các tác phẩm cần phải phù hợp với định hướng sưu tập của chúng tôi. 

     

    Ngoài ra, các yếu tố quan trọng khác mà chúng tôi luôn xem xét rất kỹ là TÌNH TRẠNG của tác phẩm: tác phẩm có toàn vẹn không, đã bị tu sửa chưa, và LAI LỊCH CỦA TÁC PHẨM – ai là (những) người chủ sở hữu chúng trước đây và các bằng chứng chứng thực, tác phẩm này đã được triển lãm ở đâu, đã có các sách báo nào in về tác phẩm này. Tất cả những yếu tố này đều là những thông tin quan trọng để đánh giá tính xác thực của tranh vì đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định giá trị của bức tranh mình định mua. Một bức tranh dù rất đẹp nhưng là một bản chép lại bởi mội họa sĩ khác sẽ có giá trị thấp hơn nhiều so với tác phẩm gốc. 

    Bộ đôi nhà sưu tập Phạm Lê tại triển lãm Họa Duyên Tương Ngộ. 

    Được biết, các anh đã bỏ nhiều công sức để đưa gần 150 tác phẩm của danh họa Trần Phúc Duyên về Việt Nam. Mất bao nhiêu lâu để di sản này được hồi hương và trong quá trình đó, các anh đã gặp những khó khăn gì?

     

     Ngay khi có duyên gặp gỡ với bộ sưu tập này, chúng tôi đã lên kế hoạch làm triển lãm và viết sách về họa sĩ Trần Phúc Duyên. Khi chúng tôi chuyển từ châu Âu về lại Việt Nam, các tác phẩm đã đi theo gia đình chúng tôi về và được bảo quản, gìn giữ tại Việt Nam. 

     

    Mỗi lần di chuyển các tác phẩm nghệ thuật dù là khoảng cách ngắn, cũng đều có tính rủi ro – vì vậy chúng tôi phải lên kế hoạch đóng gói cẩn thận, với tư vấn của các chuyên gia để đảm bảo chống rung, sốc và các tác động vật lý cho các tác phẩm. Các tác phẩm trong bộ sưu tập Trần Phúc Duyên đa phần ở tình trạng rất tốt, nhưng có một số nhỏ các tác phẩm cần phải được gia cố bởi các chuyên gia Thụy Sỹ và Pháp trước khi vận chuyển. Khi về đến Việt Nam, chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia bảo quản và phục chế như anh Bùi Tiến Phúc, chuyên gia về giấy tại Hán Nôm Đường, và chị Nguyễn Thị Thu Hiền – chuyên gia về sơn mài, sơn dầu và lụa – để lên kế hoạch bảo quản các tác phẩm và chuẩn bị cho triển lãm lần này. 

    Nhà sưu tập hội hoạ cũng là một nhà đầu tư. Vậy nếu một tổ chức/cá nhân muốn mua lại di sản này từ Phạm Lê Collection với một giá hời, các anh có sẵn sàng bán lại? 

     

    Tôi rất đồng ý với suy nghĩ của hầu hết mọi người rằng các tác phẩm nghệ thuật là một tài sản đầu tư rất đặc biệt. Tuy nhiên, ngoài giá trị tài chính, nghệ thuật còn mang giá trị tinh thần, phi vật thể rất cao. Cao như thế nào, giá trị đến chừng nào là tùy vào mối liên kết, những tác động tinh thần tương hỗ giữa các tác phẩm với người sở hữu chúng. Thế nên, rất khó để xác định giá trị của nghệ thuật, kể cả là thị trường. Đối với gia đình chúng tôi, các tác phẩm của Trần Phúc Duyên có giá trị tinh thần rất lớn. Chúng tôi tìm được đến với ông là nhờ có “DUYÊN”. Hành trình đưa các tác phẩm của ông trở về với công chúng Việt Nam cũng là hành trình đưa chính chúng tôi quay về với những giá trị tinh thần và thẩm mỹ Việt Nam mà chúng tôi tin tưởng. Hiện tại, chúng tôi chưa có ý định chuyển nhượng di sản này cho ai khác. 

     

    Kế hoạch của Phạm Lê Collection đối với di sản của danh họa Trần Phúc Duyên? Kỳ vọng của các anh đối với di sản đồ sộ này?

     

    Cùng với nhiều các tác phẩm được các nhà sưu tập và gia đình của họa sĩ cho mượn, một phần di sản của danh họa Trần Phúc Duyên đã được giới thiệu với công chúng. Tâm tưởng của chúng tôi và gia đình xem như đã sự thành. Vẫn còn một số lượng các tác phẩm khác, chủ yếu là sơn mài trừu tượng của ông, và nhiều phác thảo của thời kỳ sáng tác tại Thụy Sĩ. Chúng tôi luôn mong muốn trở thành những người sưu tập có trách nhiệm, nên rất hy vọng sẽ có dịp thích hợp giới thiệu với công chúng các chuyên đề khác từ bộ sưu tập Trần Phúc Duyên cũng như các phần khác trong bộ sưu tập Phạm Lê. 

     

    Hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào việc chuẩn bị ra mắt cuốn sách “Duyên” nói về cuộc đời, sự nghiệp và các sáng tác chính của họa sĩ Trần Phúc Duyên. Chuẩn bị cho cuốn sách này, chúng tôi đã dành nhiều năm đọc các ghi chép để lại của Trần Phúc Duyên, lần tìm các manh mối – kiểm chứng tư liệu, cũng như kết nối – tiếp xúc với các mối quan hệ lúc còn sinh thời của cố họa sĩ. Chúng tôi cũng đã làm việc, hợp tác với rất nhiều cây viết, nhà phê bình nghệ thuật sắc sảo. Có thể nói, sách Duyên là sản phẩm chung của rất nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật uy tín với đủ góc nhìn đa dạng, đa sắc màu. Chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện, chỉnh sửa nội dung và hình ảnh ở giai đoạn cuối, để cuốn sách có thể hoàn thành và ra mắt vào cuối năm nay. Hi vọng cuốn sách sẽ được công chúng đón nhận như cách mà mọi người đã mở vòng tay đón nhận các tác phẩm Trần Phúc Duyên trở về quê hương vậy.      

     

    Các anh nghĩ gì về việc đưa nghệ thuật/hội hoạ nói chung và di sản của Trần Phúc Duyên lên vũ trụ ảo (Metaverse) khi đó là một xu hướng mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số?

     

    Kỳ thực là chúng tôi chưa nghĩ đến điều này mặc dù chúng tôi không hề giới hạn các phương thức có thể giúp công chúng tiếp cận gần hơn, sâu hơn với nghệ thuật Trần Phúc Duyên. Có thể bây giờ chưa phải là một thời điểm hợp lý nhưng trong tương lai – biết đâu đây sẽ là một cách khác để có thể giới thiệu nghệ thuật của họa sĩ Trần Phúc Duyên tới đông đảo công chúng hơn, đặc biệt khi Metaverse không có những giới hạn về không gian của địa lý. 

    RELATED STORIES

    FOLLOW US