Được thành lập vào năm 2011 bởi Lukas Rungger và Stefan Rier ở Bolzano, Ý, NOA (Network of Architecture) là một mạng lưới các kiến trúc sư và nhà thiết kế trẻ. Vào năm 2018, một văn phòng thứ hai đã được ra mắt tại Berlin. Kể từ đó cho đến nay, NOA đã thực hiện hàng loạt dự án thú vị, mỗi một trong số đó đều thể hiện tính sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ của các kiến trúc sư. Điều này được thể hiện ở cách lựa chọn vật liệu và phong cách kiến trúc, xây dựng trong mối tương quan với môi trường cảnh quan xung quanh.
Dù đó là spa đảo ngược Hub of Huts, ngôi nhà hình cây Edersee, hay không gian nhà hàng Biwak trên sông băng Schnalstal, tất cả đều mang đến một góc nhìn mới về kiến trúc hiện đại – đầy sáng tạo và sang trọng.
Hub of Huts – Không gian spa đảo ngược
Để hiện thực hóa dự án ở Nam Tyrol, NOA đã quay trở lại với Hubertus ở Olang, một trong những nơi đầu tiên cho thấy sức mạnh sáng tạo của studio nổi tiếng này. Sau hồ bơi đúc hẫng mang tính biểu tượng được thiết kế vào năm 2016 là spa đảo ngược lơ lửng giữa không trung, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách.
Trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu, nhóm kiến trúc sư đã xem xét tình huống và nắm bắt bầu không khí của căn nhà. Từ việc quan sát cảnh quan xung quanh phản chiếu trong hồ bơi, các kiến trúc sư đã tìm thấy ý tưởng thiết kế để cụ thể hóa những gì phản chiếu trên mặt nước. Đó là khái niệm về đường chân trời, nhận thức về sự đảo ngược và các quan điểm.
Không gian mới nằm ở vị trí đối xứng với bể bơi. Giống như hồ bơi, nó cũng tách rời khỏi tòa nhà chính: một cái bục lơ lửng ở độ cao 15 mét so với mặt đất được đỡ bởi hai cây cột ốp bằng gỗ thông. Du khách đến với khu vực chăm sóc sức khỏe thông qua lối đi bộ lơ lửng, đồng thời mở ra khu vực thư giãn mới được xây dựng, cung cấp không gian cho tối đa 27 người. Hai tầng đều được thiết kế với cách xử lý khác nhau để đảm bảo tính riêng tư, với không gian chủ yếu lộ ra bên trên và không gian riêng tư bên dưới. Ở tầng trên là hai bồn tắm tạo sóng, hai phòng tắm lớn và phòng thay đồ. Tầng dưới là nơi khách có thể khỏa thân hoàn toàn với phòng xông hơi ướt, phòng xông hơi khô kiểu Phần Lan, cabin tắm vòi sen, vòi sen phun sương băng và hồ bơi ngoài trời thứ ba ôm trọn vẻ đẹp toàn cảnh xung quanh.

“Tầng dưới của ngôi nhà tạo cảm giác kỳ lạ cho người quan sát. Khi du khách bước xuống, nhiệt độ phòng tăng lên và môi trường được bảo vệ nhiều hơn. Bạn sẽ có cảm giác như đang bước xuống tâm trái đất với các cực đảo ngược,” – kiến trúc sư Gottfried Grube cho biết.
Quyết định thiết kế với kiểu mái dốc ngược là một lựa chọn được thúc đẩy bởi các lý do liên quan đến hình thức và công năng. Một mặt, đó là mong muốn tái tạo kiến trúc của một ngôi làng miền núi, mặt khác, đó là nhu cầu thực tế để giấu hệ thống lọc nước trong mái dốc đối với trường hợp bể bơi và các bậc ngồi đối với phòng xông hơi khô. Hơn nữa, độ lệch của các căn phòng và hướng xen kẽ của các đường gờ mái cho phép căn nhà sở hữu tầm nhìn 360° tuyệt đẹp
Màu sắc và vật liệu của căn nhà khá hài hòa với phong cảnh núi non – từ các tấm nhôm màu nâu tự nhiên cho đến độ dày vốn được hình thành bởi kết cấu dầm thép chịu lực. Hệ thống đế briseil chắn cửa sổ cũng có cùng màu sắc. Sàn nhà bằng gốm màu be nhạt, trong khi sàn nhà là gỗ sồi trắng được xức tinh dầu trong phòng thư giãn.
Edersee – Ngôi nhà hình cây
Triết lý thiết kế ngôi nhà hình cây này được các kiến trúc sư tại NOA gói gọn trong cụm từ “Từ rễ đến ngọn”, mô tả sự biến đổi theo chiều dọc của một căn nhà lai hợp, di chuyển từ dưới mặt đất qua các thân và tán cây lên đến ngọn.

Căn nhà độc đáo này mang đến một cách nhìn khác về khái niệm “sống và làm việc trong mối giao hòa cùng thiên nhiên”. Trọng tâm chính của căn nhà nằm ở tính linh hoạt theo chiều dọc và chiều ngang, được thể hiện bên ngoài thông qua chuyển động theo chiều dọc và bên trong thông qua bố cục mặt bằng mở. Khoảng sân trung tâm rộng lớn giúp xoá nhòa ranh giới giữa bên trong và bên ngoài để kết nối các không gian.
Tòa nhà thích ứng với các tình huống và yêu cầu khác nhau trong suốt cả ngày, mùa và năm. Trong khi đó, bố cục căn nhà tuân theo khái niệm mô-đun để dễ dàng chuyển đổi các không gian khác nhau.
Biwak – Nhà hàng trên sông băng
Tọa lạc ở độ cao 3.013m so với mực nước biển tại dòng sông băng Schnalstal (Ý) cách không xa biên giới Áo, Biwak là chốn dừng chân độc đáo cho những lữ khách đường dài và các nhà thám hiểm trong điều kiện bất lợi về khí hậu hay địa hình.

Vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và địa hình hiểm trở là những nét đặc trưng của Schnalstal – dòng sông băng lớn nhất của dãy núi Alps – kể từ khi nó được hình thành.
Căn nhà được thiết kế từ ý định kết hợp giữa công trình xây dựng và cảnh quan tự nhiên bằng cách tận dụng lợi thế của địa hình với vật liệu đúc sẵn để tạo thuận lợi cho quá trình xây dựng. Theo đó, các tấm bê tông cốt thép đúc sẵn sẽ được bao phủ bằng đá ở bên ngoài, trong khi lò sưởi được hỗ trợ bởi một hệ thống địa nhiệt. Cảnh quan ngoạn mục xung quanh ngôi nhà mang đến một trải nghiệm độc nhất vô nhị cho du khách.