Điều gì đã mang bạn tới cho bạn ý tưởng về kết hợp thói quen rèn luyện thể thao cùng công nghệ?
Từ khi trở về Việt Nam, tôi đã đặt ra kỳ vọng sẽ xây dựng một doanh nghiệp đột phá trong những lĩnh vực có tính nhân văn và còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết như giáo dục, sức khỏe hay giao thông. Trong những năm đầu khởi nghiệp, tôi đã dành nhiều thời gian và công sức cho lĩnh vực công nghệ giáo dục.
Ý tưởng về WeFit đến sau khoảng 2 năm khởi nghiệp và đã đạt được một vài thành công nhỏ. Đầu năm 2016, khi công việc tại công ty Topica tới lúc ổn định, tôi mong muốn tìm kiếm một thử thách mới, vì với tôi việc ở trong «vùng an toàn» sẽ làm bản thân chậm lại. Tình cờ lúc đó tôi muốn dành thời gian quan tâm cho sức khỏe, vì biết chỉ có sức khỏe thể chất ổn định mới giúp tôi chiến đấu lâu dài trên con đường này. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các giải pháp chăm sóc sức khỏe theo phương pháp truyền thống bộc lộ khá nhiều rào cản, đặc biệt với những người lười như tôi. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu tìm hiểu lĩnh vực này và tham khảo các giải pháp trên thế giới, và ý tưởng thực hiện WeFit đã tới như vậy.
Trong quá trình xây dựng WeFit, bạn đã vấp phải những khó khăn nào và đã giải quyết chúng ra sao?
Giống như tất cả các công ty khởi nghiệp khác, WeFit gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu thì ở việc thuyết phục các đối tác tham gia hệ thống, về sau thì ở khâu bán hàng, rồi quản trị tài chính. Có những thời điểm phải nợ lương anh em đồng sáng lập một tháng để có tiền xoay vòng. Trong tất cả những khó khăn này, tôi chỉ có một công thức để vượt qua, đó là tập hợp sức mạnh của tập thể và dồn sức vào 1 điểm. Có hai lần tôi nhớ nhất, lần đầu khi công ty mới thành lập, lúc đó sản phẩm còn chưa ra mắt nhưng đã phải bắt đầu đi tìm gặp đối tác. Thời gian đầu không thể tìm được cách liên hệ các chủ phòng tập, hoặc cứ đến gõ cửa thì bị đuổi về. Sau đó, tôi phải họp lại để chia cả nhóm thành 5 đội, mỗi đội 2 người và phân nhau đi khắp Hà Nội, gõ cửa từng đối tác một và kiên trì cho tới khi gặp được đúng người. Lần thứ hai là sau chiến dịch ra mắt, chúng tôi rơi vào tình trạng cạn tiền, trong khi lượng khách hàng mới không đủ để bù chi phí. Lúc này, tôi lại huy động toàn bộ nhân lực đi bán hàng. Kể cả các nhóm trưởng, tất cả đều phải nhấc máy lên gọi điện và tìm cách giới thiệu cho bạn bè, người thân. Kết quả là tháng đó thành tích bán hàng tăng gấp đôi giúp WeFit vượt qua khó khăn. Với các công ty startup có ít nguồn lực thì đây là cách hiệu quả để vượt qua khó khăn, chúng tôi gọi đây là «chiến tranh nhân dân».
WeFit đóng vai trò trung gian kết nối các phòng tập và những người có nhu cầu tập luyện thể thao
Hướng đi phát triển trong tương lai của Wefit là gì, có bao gồm tấn công thị trường khu vực và quốc tế?
Trong tương lai, WeFit muốn phát triển lên thành một nền tảng công nghệ về sức khỏe và phong cách sống, chứ không chỉ gói gọn là một ứng dụng đặt lịch nữa. Bắt nguồn từ những nguồn lực hiện nay, WeFit sẽ dần mở rộng các sản phẩm, dịch vụ khác xung quanh việc phục vụ cho một phong cách sống lành mạnh, khỏe đẹp hơn của người Việt. Trong định hướng 5 năm, WeFit cũng muốn triển khai ra các thị trường khác ngoài Việt Nam, như thị trường Đông Nam Á. Ấn Độ hay Nam Mỹ cũng là những thị trường rất tiềm năng.
Hiện là người duy nhất cung cấp dịch vụ sức khỏe qua ứng dụng, bạn có lo lắng về việc những đối thủ với mô hình kinh doanh tương tự xuất hiện?
WeFit không những không lo lắng về sự xuất hiện của đối thủ mà còn mong muốn việc này diễn ra. Nếu có thêm nhân tố mới tham gia vào cuộc chơi, chứng tỏ thị trường có tiềm năng và sẽ có thêm người cùng mình «huấn luyện» thị trường, tốc độ tăng trưởng cho cả hai sẽ nhân lên rất nhiều. Ngoài ra, điều này cũng là động lực để WeFit càng hoàn thiện hơn và phát triển nhanh hơn.
Đã nếm đủ cả thất bại lẫn thành công, bạn có lời khuyên nào cho những bạn trẻ có ước mơ khởi nghiệp?
Chắc chắn tất cả những người khởi nghiệp sẽ đều thất bại, dù nhỏ hay lớn. Vì vậy, các bạn không cần quá bận tâm về việc thất bại, mà quan trọng là luôn giữ được tinh thần, nếu gặp thất bại thì cần đứng dậy thật nhanh để đi tiếp. Bạn đắm chìm trong nỗi buồn của thất bại càng lâu thì sẽ càng khó có khả năng đứng dậy.
Cám ơn anh về buổi trò chuyện!
Đôi nét về Khôi Nguyễn
Tốt nghiệp ngành Kỹ sư máy tính tại Học viện Công nghệ Illinois, Hoa Kỳ, Khôi Nguyễn trở về nước và lần đầu nếm mùi thất bại khi thành lập công ty chuyên về thiết kế Volcano Vietnam. Trong hai năm sau đó, anh giữ chức Giám đốc khối tại Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica. Tháng 1, 2018, anh vừa được vinh danh trong Danh sách 30 gương mặt tiêu biểu dưới 30 tuổi của Forbes Việt Nam
Được thành lập từ tháng 9 năm 2016, chỉ sau 3 tháng, WeFit đã có 100 đối tác và vinh sự được nhận giải thưởng Startup Tiềm năng trong chương trình Startup Festival 2016 do Bộ Khoa học & Công nghệ và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.
Tháng 10 năm 2017, WeFit kêu gọi thành công nguồn vốn đầu tư có giá trị 150.000 đô-la Mỹ từ quỹ ESP Capital, VIISA và nhà đầu tư Nhân Nguyễn. Hiện tại, WeFit đang hợp tác với hơn 600 đối tác trong hệ thống, phục vụ hơn 5.000 lượt khách hàng.