Các thành phố nơi đăng cai Olympics luôn có một tinh thần cạnh tranh cho lễ khai mạc, cố gắng biến sự kiện trở nên hoành tráng và hấp dẫn nhất có thể. Bắc Kinh có màn đồng diễn của 2008 tay trống. Luân Đôn có sự xuất hiện của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị hộ tống bởi James Bond. Thành phố Rio khiến đám đông kinh ngạc với phần catwalk của siêu mẫu Gisele Bundchen. Nhưng nếu là Paris, thì bản thân thành phố này cũng đã đủ sức hấp dẫn để tỏa sáng.
Theo đúng kế hoạch của Olympics mùa hè tại Paris vào tháng 7, lễ khai mạc sẽ diễn ra như một bộ phim Hollywood. Đó là vào lúc hoàng hôn khi ánh nắng màu hổ phách tràn ngập, đoàn thuyền chở các vận động viên trên sông Seine sẽ tiến về phía mặt trời trong khi hàng trăm ngàn khán giả cổ vũ dọc hai bên bờ sông.
Đây sẽ là lần đầu tiên lễ khai mạc Olympics diễn ra bên ngoài sân vận động. Rất nhiều sự kiện liên quan sẽ được tổ chức tại trung tâm Paris thay vì ở ngoại ô thành phố, mang đến những trải nghiệm chưa từng có cho cả người dân Pháp lẫn du khách, hứa hẹn tạo nên sự hào nhoáng quyến rũ và cảm xúc bùng nổ.
Công viên Champs-de-Mars, dưới cái bóng khổng lồ của Tháp Eiffel, sẽ là nơi dành cho môn bóng chuyền bãi biển. Place de la Concorde, một địa điểm mang tính lịch sử, dành cho trận đấu của hai môn thể thao mới được thừa nhận: trượt ván và nhảy breakdance. Thay vì thi đấu trong hồ bơi, các vận động viên bơi lội sẽ thi đấu trên sông.
Kế hoạch cho Olympic đầy sáng tạo và tham vọng, và có thể lấy lại danh tiếng về một thành phố táo bạo như Paris. Vốn được biết đến là cái nôi của thời trang, văn hóa và ẩm thực, nhưng không lâu trước đó, “kinh đô ánh sáng” lại dường như chững lại và mắc kẹt trong hào quang quá khứ.
Trong thế giới ẩm thực, sự ảm đạm này trở thành điều gây tranh cãi cho danh sách 50 Nhà hàng Tốt nhất Thế giới (World’s 50 Best Restaurants). Michelin Guide, từng được coi là trọng tài ẩm thực tối thượng, lại tỏ ra không liên quan. Trong khi đó, Luân Đôn và Berlin chiếm vị trí trung tâm của châu Âu về nghệ thuật và thiết kế. Nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại cho rằng những người đồng hương của ông đang chống lại sự thay đổi.
“Ở đây có sự đa dạng về văn hóa và xã hội. Với tôi, điều này rất quan trọng. Nếu Paris chỉ có quận 6, thì sẽ rất buồn chán.”
Theo những nhà sáng tạo có sức ảnh hưởng và người dân Paris, những năm trước Olympics, đặc biệt sau đại dịch, Paris đã có sự thay đổi. Hélène Darroze, đầu bếp đang sở hữu sáu nhà hàng, gồm nhà hàng 2 sao Michelin Marsan tại Paris và nhà hàng 3 sao Michelin tại Luân Đôn, cho biết: “Tôi nghĩ rằng trong 10 năm qua, Paris đã cởi mở hơn với các xu hướng. Thành phố này đã trở nên sống động hơn”.

Họa sĩ đồ họa Marin Montagut, từng cộng tác với Le Bon Marché và Ritz Paris, chia sẻ: “Tôi có cảm giác Paris đã trải qua ‘cuộc phẫu thuật thẩm mỹ’, đang hồi sức đề trở lại xinh đẹp và tràn đầy năng lượng”.
Sự thay đổi của Paris một phần đến từ bộ phim Emily in Paris của Netflix. Bên cạnh đó, sự xuất hiện như nấm mọc sau mưa của các khách sạn, nhà hàng, phòng trưng bày, bảo tàng và cửa hàng sang trọng trong vài năm qua, điển hình là cửa hàng của Montagut từ năm 2020.
Ba năm qua, Paris có thêm 25 khách sạn 5 sao mới, nâng tổng số khách sạn hạng sang lên 101, gồm Madame Rêve, Kimpton St. Honoré Paris, Château des Fleurs, Maison Proust, Cheval Blanc Paris, và 1 Place Vendôme, khách sạn đầu tiên của Chopard. Mùa thu 2023, Le Grand Mazarin và La Fantaisie ra mắt ở Paris với dấu ấn của nhà thiết kế Thụy Điển Martin Brudnizki cùng gu thẩm mỹ đa sắc, theo chủ nghĩa tối đa, và phong cách hiện đại, tinh nghịch.
Bên cạnh khách sạn truyền thống, các “tay chơi” mới trong thị trường cho thuê hạng sang xuất hiện ngày càng nhiều. Trong số đó có Highstay được thành lập năm 2020. Highstay đang sở hữu 36 căn hộ ở Champs- Elysées và Saint-Honoré, và 48 căn hộ đang được xây dựng. Khách thuê căn hộ Highstay không cần check-in khi đến vì đã nhận được mã code thực hiện booking. Đồng thời, tất cả yêu cầu trợ giúp đặc biệt, gồm đặt chỗ du lịch, đều được thực hiện qua cổng thông tin khách hàng.
“Mục đích nhằm để du khách có trải nghiệm như người Paris thực thụ” – Maxime Lallement, Tổng quản lý Highstay, cho biết.
Theo Alexander Kraft, Giám đốc điều hành của Sotheby’s International Realty France- Monaco, ý tưởng biến Paris thành “ngôi nhà thứ hai” là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản hạng sang dành cho người mua nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.
Ông coi 2024 là “năm chuyển tiếp” và thị trường Paris đang chuyển động theo 2 hướng: Trong khi nhu cầu về bất động sản khoảng 1 triệu đến 5,5 triệu USD đã hạ nhiệt, thì bất động sản cao cấp khoảng 11 đến 55 triệu USD vẫn tiếp tục được bán ra, với khách hàng đa số đến từ Trung Đông. Kraft dự đoán thị trường sẽ khởi sắc vào năm 2025 sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông cho biết: “Paris luôn là thị trường bất động sản được ưa chuộng với sức hấp dẫn riêng biệt”.

Nhà thiết kế nội thất Garrow Kedigian, một trong những du khách thường xuyên của Paris, đã quyết định mua căn hộ ở đây vài năm trước. Kedigian nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của Paris tuy chỉ là một cư dân “bán thời gian”. Theo ông là do sự trở lại của du khách sau đại dịch, và các điểm nhấn văn hóa thú vị từ các nước đã tạo nên màu sắc tươi mới cho thành phố. “Paris đã có sự đa dạng văn hóa, khá giống với New York, và gắn kết hơn với công chúng quốc tế”, – Kedigian chia sẻ.
Cửa hàng Montagut ở Belleville, phía đông Paris, là nơi các nghệ sĩ và nhà sáng tạo hợp tác cùng nhà hàng và doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, châu Phi và các nước Ả Rập. Rìa phía đông Paris là chốn ưa thích của Michael Schwartz, Giám đốc tiếp thị và truyền thông khu vực châu Âu của Boucheron. Là một cư dân từ New York chuyển đến, ông bị thu hút bởi số lượng các địa điểm ẩm thực.
Ông nhắc đến hai nhà hàng Caché và Amagat rất được yêu thích. Được vận hành bởi cặp đôi người Ý từng làm trong ngành thời trang và quảng cáo, hai nhà hàng thu hút được nhiều khách hàng có gu về thời trang. Caché phục vụ các món hải sản Địa Trung Hải, trong khi Amagat chuyên về món tapas Catalan. Hay nhà hàng bistro hải sản Soces ở phố Rue de la Villette là nơi bạn có thể gặp Jean-Benoît Dunckel, nhạc sĩ sáng tác cho phim The Virgin Suicides của Sofia Coppola, hoặc các nhà thiết kế thời trang người Pháp của những thương hiệu danh tiếng như Coperni, Sébastien Meyer và Arnaud Vaillant.
Schwartz cho biết: “Nhà hàng này đặc biệt bởi là nơi lui tới thường xuyên của các nhà sáng tạo, thiết kế và nhạc sĩ cá tính”.
Theo Stéphane Bréhier, chủ biên cẩm nang nhà hàng Gault & Millau, bản đồ ẩm thực Paris trở nên sôi động hơn nhờ các đầu bếp trẻ sẵn sàng dấn thân làm việc ở vị trí thấp nhất cho các nhà hàng sao Michelin. Hơn nữa, du khách ngày nay có xu hướng thích trải nghiệm địa điểm ăn uống mới mẻ.
Ông cho biết: “Gần đây, vô số đầu bếp trẻ sẵn sàng mở nhà hàng riêng, thay vì đi làm thuê. Paris đang chứng kiến sự bùng nổ về ẩm thực”.
Darroze, chủ nhà hàng Marsan ở Paris, cho biết: “Mọi thứ đã thay đổi. Thế hệ trẻ có cơ hội làm việc ở khắp nơi trên thế giới trước khi vận hành nhà hàng của mình. Vì thế, họ có tâm lý cởi mở với các nền văn hóa, khiến ẩm thực Paris ngày càng thú vị. Thay vì là sao Michelin, đa số họ ưa khám phá những điều mới hơn”.
Vị thế mạng xã hội và khao khát thể hiện bản thân tạo nên xu hướng mới trong ngành ẩm thực: nhiều địa điểm ăn uống trên tầng thượng xuất hiện, như Mun và Girafe ở Golden Triangle, khu vực giáp các đại lộ Montaigne và George V, và Champs- Élysées. Dimitri Ruiz, Trưởng bộ phận khách hàng tại Hotel Barrière Fouquet’s Paris, cho biết: “Rất nhiều quán tầng thượng được mở ra ở Paris, trước đó chỉ có thể tìm thấy ở khu vực Tháp Eiffel và Tháp Montparnasse”.
André Terrail, chủ sở hữu thế hệ thứ ba của nhà hàng La Tour d’Argent, cho biết: “Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, Paris mới có những quán rooftop và dần trở thành xu hướng”. Quán bar tại La Tour d’Argent hướng ra toàn cảnh Nhà thờ Đức Bà và sông Seine là địa điểm được ao ước nhất để theo dõi lễ khai mạc Olympics. Nhà hàng vốn từng đón tiếp nhiều quốc vương và nguyên thủ quốc gia đã trải qua đợt cải tạo lớn và mở cửa trở lại vào cuối hè năm ngoái.

Ngành công nghiệp thời trang tại Paris có sự xuất hiện của các nhà thiết kế trẻ. Năm 2022, Simon Porte Jacquemus mở boutique đầu tiên trên đại lộ Montaigne – nơi hiện diện của Gucci, Chanel, Prada… Và vào tháng 3, ở tuổi 34, anh trở thành nhà thiết kế thời trang trẻ nhất nước Pháp nhận Huy chương nghệ thuật và văn học vì những đóng góp cho lĩnh vực này, tạo sức ảnh hưởng cho cộng đồng sáng tạo. “Hầu như mỗi con phố đều có tên của một nghệ sĩ hoặc chính trị gia”, Charaf Tajer, một cư dân của Paris hiện là giám đốc sáng tạo của nhãn hàng thời trang Casablanca, cho biết.
“Dù Paris vẫn vương vấn hình ảnh quá khứ, bạn vẫn cảm nhận được năng lượng hiện tại.”
Nhà thiết kế nội thất David Jimenez chuyển đến Paris năm 2015 và sống gần đại lộ Champs-Elysées, quận 8, nơi mà ông cho rằng như được hồi sinh. Với sự xuất hiện loạt cửa hàng của Jacquemus, Burberry, Saint Laurent, Bottega Veneta, và Panerai, cùng nỗ lực xanh hóa của chính quyền, người dân dần quay trở lại quận 8 vốn nổi tiếng đông đúc du khách, bị xâm chiếm bởi các cửa hàng thức ăn và thời trang nhanh. Giờ đây, cây xanh được trồng thêm, vỉa hè được chỉnh trang và Bảo tàng Dior đầy sức hút đã lôi kéo sự chú ý của người dân Paris về khu vực này.
Các bảo tàng như Fondation Louis Vuitton và Bourse de Commerce cũng góp phần biến Paris trở thành nơi dẫn đầu về nghệ thuật đương đại. Sự kiện Brexit cũng đã thôi thúc các phòng triển lãm quốc tế tiếp cận nước Pháp, như Hauser & Wirth, David Zwirner, Mariane Ibrahim và Peter Kilchmann. Hay triển lãm các áp phích Olympics, được tổ chức bởi Gagosian, với các tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng từ Picasso, cho đến Warhol, Hockney, và Tracey Emin, giúp gửi trao thông điệp kết nối thể thao và nghệ thuật.
Tất cả đang tạo nên một Paris tràn đầy sức sống mới.