Umit Benan đã làm nên tên tuổi ngay từ khi còn trẻ. Vào năm 2009, chàng trai trẻ đã ra mắt thương hiệu thời trang nam mang tên mình, đồng thời giành giải thưởng trong cuộc thi nổi tiếng Who Is On Next? của Pitti Uomo với bộ sưu tập thứ hai ở độ tuổi 30. Trong những năm kể từ khi ra mắt, nhà thiết kế đến từ Milan đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Anh đã từ giã từ các buổi trình diễn thời trang để rồi sau đó quay trở lại sàn diễn vào năm 2018 với bộ sưu tập có tên gọi God Is Black. Năm 2019, anh giới thiệu bộ sưu tập Umit Benan B+, gồm các mẫu trang phục unisex cao cấp – từ trang phục dệt kim cho đến những bộ suit hay các mẫu áo khoác cashmere hai hàng khuy.
Sinh ra ở Đức và có cha mẹ là người Thổ Nhĩ Kỳ, Benan từng học trường nội trú ở Thụy Sĩ và đại học ở Boston, sau đó sống ở New York và London. Có vẻ như một phần trong con người anh chưa bao giờ thuộc về thế giới thời trang, thế nên, Benan muốn đón nhận một thứ gì đó ít phù du hơn, gắn với những câu chuyện “đời” hơn.
“Năm 2009, khi bắt đầu bước chân vào thế giới thời trang, tôi muốn tạo dựng phong cách, cá tính của riêng mình,” – anh chia sẻ qua điện thoại từ Milan với Robb Report. “Tôi tập trung vào các khái niệm, ý tưởng chứ không phải quần áo. Đối với các show trình diễn của mình, tôi thường chọn những người đàn ông đích thực mà mình gặp trên đường phố, từ tài xế taxi cho đến thợ làm bánh pizza, và tạo ra thế giới xung quanh họ”. Nhưng sau một thời gian, anh “cảm thấy mình làm những công việc đó vì tiền bạc và hào quang truyền thông hơn là vì bản thân mình.”
Một ngày nọ, ở Istanbul, tôi không còn một chiếc áo khoác nào và đã mượn một chiếc từ cha tôi – một thương gia chuyên buôn bán vải vóc. Đó là chiếc áo khoác cashmere hai hàng khuy của Gianfranco Ferré từ những năm 1980. Mặc chiếc áo đó, phom dáng đó, tôi nhận ra một chân dung Umit Benan hoàn toàn mới. Trong khoảnh khắc đó, tôi nghiệm ra rằng mình không còn là một cậu bé nữa và cần phải làm điều gì đó trưởng thành hơn.”

Sự trưởng thành đó có thể được hiểu một phần thông qua chất lượng vượt trội của các loại vải. Len đã được thay thế bằng cashmere, lụa và nhung mịn, mang đến cho quần áo vẻ sang trọng và thanh lịch. Benan đã từng tạo ra một chiếc áo khoác kiểu mackintosh làm từ 100% lụa. “Tôi luôn nghĩ rằng trang phục không nên khiến người mặc nó choáng ngợp. Nó không cần phải là trang phục của thương hiệu dễ nhận biết, mà phải trường tồn với thời gian,” – anh nói. Thế nên, trang phục của Benan được nhiều người nổi tiếng lựa chọn – thậm chí cả các nhân vật nổi tiếng nhất của ngành thời trang ở Milan. Một trong số đó có thể kể đến biên tập viên thời trang, chuyên gia tư vấn và cựu tổng biên tập của L’Uomo Vogue Robert Rabensteiner.
Benan tập trung vào cấu trúc chính xác của các sản phẩm may mặc, với nguồn cảm hứng đến từ các thiết kế trông có vẻ “lùng thùng” nhưng có cấu trúc của trường phái Ý những năm 1980 và 90, chẳng hạn như Nino Cerruti và Giorgio Armani, nhưng với một nét tinh tế không thể nhầm lẫn chỉ có ở Benan.
