Robbreport Viet Nam
Robbreport Viet Nam

    Hoa cải nở tháng Mười: Lẻ loi giữa mùa hay bản lĩnh ngược chiều?

    Hoa cải nở tháng mười là lẻ loi hay bản lĩnh?

    Chẳng lẽ cây cải không phải là loài hoa bình thường (hoa thường) và không hưởng mùa Xuân theo lẽ bình thường? Hoặc mùa Xuân của cây cải là tháng Mười, thay vì tháng Giêng? Nếu nhìn ở chiều xuôi, hành động “nở riêng” mang lại cho hoa cải sự lẻ loi, cô quạnh, như câu ca 152 dao: “Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay”. Chưa nói miền Bắc nước ta tháng Mười thường mưa gió, lạnh lẽo, Đông sang. Nếu nhìn ở chiều ngược lại, thì cây cải phải đủ mạnh mẽ, độc lập thì mới chọn “nở riêng” như vậy.

    Trong sách “Chuyện hoa chuyện quả” của Phạm Hổ có viết về sự tích bông cải vàng. Nhờ chiếc kéo cắt tia nắng làm chăn ủ ấm mùa Đông, mà sau cái chăn này cháy, tàn tro bay khắp mặt đất, mọc lên loài cây mới, có màu hoa vàng như màu nắng ấm, làm cho mùa Đông thêm ấm áp. Vậy theo tín lý dân gian thì cây cải từ nắng trời mà thành, có về trời cũng là dễ hiểu.

    Cái nhìn nhị nguyên – trung đạo này là một bản sắc tư tưởng của người Việt từ thuở xa xưa, nên vô số câu ca dao – tục ngữ mới có cặp để đối ý, để cân xứng. Nếu đã có câu “Vợ chồng là ruột là rà/ Anh em có cửa có nhà anh em”, thì sẽ có câu “Anh em là ruột là rà/ Vợ chồng như áo cởi ra là rồi”. Nếu đã “Bán anh em xa mua láng giếng gần”, thì sẽ có “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chính tư tưởng nhị nguyên này giúp người Việt dễ trở về với sự ôn hòa, dễ nở nụ cười tha thứ, dễ “hóa thù thành bạn”, nên dù đi qua chiến tranh hàng ngàn năm vẫn không hề chọn tinh thần hiếu chiến làm chủ đạo.

    Cũng vì không nắm rõ được tư tưởng nhị nguyên này mà khi mới đến xâm lược, kẻ thù thường dễ dàng chiến thắng và thường khinh người Việt yếu đuối, để đến khi bị đánh đuổi thì lại bất ngờ, khâm phục. Những tình huống như “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung” (“Chinh phụ ngâm”), hoặc “Chín lần gươm báu trao tay/ Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh” (“Chinh phụ ngâm”)… là trường hợp bất khả kháng, là “nở riêng” của người Việt cho thời chiến mà thôi.

    Có lúc “hoa cải nở riêng” thì được nhìn thấy, được đón nhận, nhưng cũng có khi việc “nở riêng” lại là một chọn lựa. Như Tuệ Trung thượng sĩ từng viết: “Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu/ Thùy thính cô viên đề xứ thâm”, mà Bùi Giáng dịch: “Nhân gian đều thấy ngàn non sáng/ Ai lắng nghe ra tiếng vượn trầm”. Tuy nhiên, non sáng là non sáng, vượn trầm là vượn trầm, có thấy hoặc không thấy cũng vậy, tất cả vẫn ở đó, có khi cần non sáng, có khi cần vượn trầm, ấy là nhị nguyên – trung đạo vậy. 

    RELATED STORIES

    FOLLOW US