Xin chào ông! Điều gì đã khơi nguồn cảm hứng để ông cải tạo nhà mình theo phong cách “mở” như hiện tại?
Đối với tôi, nhà cửa cũng như một “cuộc chơi”. Trước đó, tôi “chơi nổi” bằng cách kết hợp ngoại thất theo kiểu nhà tranh Bắc Bộ với nội thất đương đại sang trọng. Nhưng hiện tại, tôi muốn chuyển đổi qua một phong cách mới mẻ hơn, lấy cảm hứng từ những ngôi nhà sàn mà tôi có dịp nhìn ngắm trong các chuyến du ngoạn lên vùng cao. Tôi chọn nhà sàn vì Việt Nam là xứ nóng và ẩm, mà kiểu nhà sàn này lại rất thoáng, tạo đối lưu không khí tốt. Đối với tôi, không khí “tươi” ở nhà phố thực sự là một thứ xa xỉ, và thiết kế một không gian mang cảm hứng “nhà sàn” giữa lòng thành phố cũng là một thách thức thực sự.
Hành trình từ một họa sĩ “lấn sân” sang lĩnh vực thiết kế không gian sống mang lại cho ông trải nghiệm gì?
Khi nhận yêu cầu thiết kế, tôi thường trao đổi chi tiết với chủ nhà nhằm tìm hiểu nhu cầu, thói quen sinh hoạt, để có thể hoàn thiện và cá nhân hóa không gian sống nhưng vẫn phải đảm bảo tổng thể hài hòa về tính thẩm mỹ và chất lượng. Công trình của tôi thường không rẻ và gần như tôi không chiều theo ý chủ nhà. Tôi không muốn thỏa hiệp với điều kiện chủ quan phát sinh trong quá trình xây dựng bởi chúng có thể làm mất đi vẻ đẹp tổng thể. Tôi quan niệm ngôi nhà lý tưởng cần đảm bảo tính thẩm mỹ lẫn công năng sử dụng. Bề mặt tường, chất liệu nền nhà cho đến thiết kế trần nhà không khoa học cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các thành viên sinh sống bên trong, đặc biệt là trẻ em. Một ngôi nhà sở hữu không gian đẹp sẽ bồi đắp tính thẩm mỹ của những đứa trẻ sinh sống trong đó.
Là một nhà sưu tầm tranh kín tiếng, ông có thể chia sẻ về tình yêu dành cho các tác phẩm hội họa?
Tôi bắt đầu sưu tầm tranh cách đây khoảng 40 năm, nhưng với xuất phát điểm không phải là một nhà sưu tầm, mà từ những kiến thức thu nhặt khi theo học tại trường Mỹ thuật cũng như qua cơ hội tiếp xúc với các họa sĩ bậc thầy người Việt. Tôi chơi thân với họa sĩ Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái, uống rượu với ông Nguyễn Sáng, ở sát nhà họa sĩ Trần Văn Cẩn nên có cơ hội lắng nghe các tiền bối bộc bạch về chuyện nghề, trực tiếp chứng kiến quá trình làm việc miệt mài của họ dù họ không nhận được sự ủng hộ của xã hội thời ấy. Đời sống của các vị ấy thú vị và sâu sắc, ý nghĩa hơn các họa sĩ hiện đại, thái độ sống tốt hơn, họ đã làm việc nghiêm túc để cuối đời trở thành những danh họa mang tính tư tưởng cao. Tôi yêu và sưu tầm tác phẩm của họ như một cách để “lưu giữ” dấu ấn của những bậc thầy hội họa Việt. Điều làm tôi trăn trở hiện tại là chưa tìm thấy thế hệ kế tục đam mê sưu tầm tranh.
Mặc dù rất ủng hộ các tác giả trẻ, song tôi vẫn yêu thích sưu tầm các tác phẩm của bậc thầy hội họa Việt hơn. Theo quan sát của tôi, các họa sĩ trẻ hiện nay chưa giải quyết được các vấn đề mang tính tư tưởng như các bậc đi trước, ngoài ra họ còn chịu sự cám dỗ rất lớn của thị trường.
Quan niệm của ông về một nhà sưu tầm hội họa là gì?
Mục đích của sưu tầm không phải để mua bán mà là tìm kiếm những bức tranh không có giá trị về mặt kinh tế nhưng lại có giá trị khẳng định dấu ấn của một người họa sĩ. Theo tôi, trong số các nhà sưu tầm tranh tiêu biểu thì ở nước ngoài có cụ Hà Thúc Cần, còn tại Việt Nam có ông Đức Minh. Ông sở hữu bộ sưu tập có tính hệ thống qua các thời kỳ sáng tác của họa sĩ, là một người giàu sang, mạnh thường quân, sẵn sàng chi tiền cho các tác phẩm.
Tôi không nhận mình là một nhà sưu tầm, mà vì có điều kiện và cơ hội nên mới mạo muội nghĩ đến việc mua tranh và lưu giữ tranh. Tôi chỉ bán tranh của mình để mua tranh của người khác, và cho đến hiện tại, hầu như tôi chưa bán lại tranh của các tác giả mà mình sưu tầm.
Theo ông, các tác phẩm hội họa Việt có tiềm năng như thế nào trên thị trường quốc tế?
Tranh của các bậc thầy Việt Nam đã bắt đầu được khẳng định trên thị trường quốc tế, có những bức đã đạt tầm triệu đô. Hội họa Việt Nam có đặc tính tốt để trở thành một nền hội họa vững mạnh: được thai nghén trong một đất nước có lịch sử nhiều biến động, các họa sĩ đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ Pháp – cái nôi của hội họa chính thống, nên có cơ sở để phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Vì vậy, tôi tin rằng nền hội họa Việt Nam sẽ có một tương lai vững chắc với các tác phẩm giá trị cao.
Ông có thể chia sẻ thêm về bộ sưu tập của mình?
Tôi sưu tầm tranh chủ yếu của các tên tuổi như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái…, song nhiều nhất vẫn là Lưu Công Nhân, một họa sĩ yêu thích đề tài khỏa thân, một phần bởi mối đồng cảm nghệ thuật khi tôi là nhiếp ảnh gia chuyên về khỏa thân. Thời kỳ đầu, nét vẽ của ông khá mô phạm, song khi cuối đời, dường như có một nguồn năng lượng khác thường giúp ông vẽ rất nhiều, rất điên cuồng, sáng tạo và tự do, với những bức tranh mang tính thời đại hơn. Có cảm giác như ông đang “hét” lên những điều mình yêu thích. Ông là công tử tài hoa, sống phóng túng, tranh ông vẽ thậm chí còn đề chữ “không bán”. Riêng về tác giả Lưu Công Nhân, tôi tự nhận mình là một nhà sưu tầm đúng nghĩa khi sở hữu hàng trăm bức tranh được tuyển chọn kỹ lưỡng, kể cả bức tranh khỏa thân cuối cùng ông vẽ, đáp ứng số lượng tác phẩm qua các giai đoạn sáng tác đủ để chứng minh sự nghiệp của một họa sĩ tầm cỡ.
Với số lượng tranh sưu tầm khá đồ sộ, tôi đã quyết định xây dựng một bảo tàng tư nhân ở Huế để chia sẻ với công chúng các tác phẩm quý từ những bậc thầy hội họa Việt.
Vì sao ông chọn xây dựng bảo tàng tư nhân tại Huế mà không phải là Sài Gòn hay Hà Nội?
Tôi chọn cố đô Huế để xây bảo tàng của mình vì nơi đây đã từng và sẽ là một trung tâm văn hóa của Việt Nam trong tương lai không xa. Huế rất trân trọng nghệ thuật và thường dành vị trí đẹp nhất cho các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, điều mà các thành phố lớn khác không làm được. Vả lại, người dân miền Trung nói chung và Huế nói riêng rất yêu nghệ thuật. Trải qua hơn 5 năm xây dựng, bảo tàng dự kiến sẽ được khánh thành vào năm sau.
Rất cảm ơn ông và chúc bảo tàng hội họa tư nhân của ông sớm đi vào hoạt động thành công!
Đôi nét về họa sĩ, nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan
Trần Huy Hoan hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, ông cũng đang hoạt động trong mảng thiết kế không gian sống
và sưu tầm tranh.
Ông là tác giả tiên phong trong lĩnh vực chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật. Sau hơn 40 năm gắn bó, ông được coi là một trong những nhà nhiếp ảnh khỏa thân thành công nhất về đề tài này tại Việt Nam.
Các tác phẩm nhiếp ảnh của Trần Huy Hoan từng được trưng bày tại Hội chợ Art ASIA Miami tại Florida, Hoa Kỳ vào năm 2012.
Ngoài tranh của các bậc thầy hội họa Việt Nam, Trần Huy Hoan cũng sưu tầm các tác phẩm của các họa sĩ trẻ đương đại.
Hiện ông đang xây dựng viện bảo tàng tư nhân của riêng mình có diện tích gần 3.000 m2, tọa lạc tại vị trí đắc địa bên bờ sông Hương ở cố đô Huế.