Chia sẻ của Christine Galle – Luczak, nhà sáng lập Heavens Portfolio – thương hiệu kết nối các điểm đến xa xỉ hàng đầu châu Âu với lớp du khách siêu giàu ở châu Á – về các trào lưu mới trong lĩnh vực du lịch xa xỉ sau đại dịch.
Xin chào bà! Bà có thể chia sẻ với bạn đọc Robb Report Việt Nam về Heavens Portfolio?
Chúng tôi là cầu nối giữa các thị trường châu Á và các khách sạn mà chúng tôi đại diện. Đó là mối liên kết quan trọng, giúp du khách biết thêm về trải nghiệm du ngoạn đặc biệt, đồng thời cho phép nhà cung cấp trải nghiệm du ngoạn nắm bắt thói quen và nhu cầu của du khách châu Á.
Trong hơn 16 năm qua, Heavens Portfolio khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực du lịch sang trọng toàn cầu, giúp kết nối khách hàng của mình với các thị trường quan trọng nhất của châu Á thông qua giải pháp Bán hàng, PR và Tiếp thị toàn diện, đồng thời mang đến cho lớp du khách sành điệu những trải nghiệm độc đáo nhất, riêng biệt và khó quên từ khắp nơi thế giới.
Với 43 thành viên nhóm cùng các văn phòng trải khắp châu Á từ Trung Hoa Đại lục, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Khu vực Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, cho đến Việt Nam và Philippines, Heavens Portfolio giúp các công ty du lịch sang trọng tiếp cận lớp du khách giàu có nhất châu Á cũng như các dịch vụ tùy biến – từ hỗ trợ bán hàng, tiếp thị cho đến quan hệ công chúng, tương tác truyền thông truyền thống và mạng xã hội.
Đâu là những xu hướng du ngoạn trong 2022 theo dự báo của bà?
Trong bối cảnh chúng ta đang từ từ thoát khỏi đại dịch Covid-19, du khách sẽ quan tâm hơn rất nhiều đến vấn đề vệ sinh, trong khi việc di chuyển sẽ phải thích nghi với các tiêu chuẩn mới (ví dụ như khẩu trang), thời gian cho thủ tục kiểm tra an ninh tại sân bay kéo dài hơn. Rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của loại hình du lịch tự do (FIT – Free Independent Traveller) và du lịch đến những địa điểm không phổ biến với nhu cầu lưu trú tại các khách sạn boutique hơn là các khách sạn lớn.
Du khách đang ngày càng ý thức hơn về giá trị của sức khỏe cũng như môi trường tự nhiên, thế nên, trong những năm tới, mô hình du lịch wellness hướng đến sức khỏe sẽ lên ngôi.
Du lịch gia đình cũng có thể sẽ được thúc đẩy vì các biện pháp giãn cách xã hội dường như đã có tác dụng củng cố các mối quan hệ gia đình. Du lịch trải nghiệm sẽ chiếm ưu thế. Du lịch bằng chuyên cơ riêng và du lịch đến các hòn đảo riêng cũng sẽ được giới siêu giàu ưa chuộng.
“Chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của loại hình du lịch tự do – FIT.”
Vậy nhu cầu đối với du lịch mạo hiểm đến những vùng đất xa xôi, hẻo lánh thì sao, thưa bà?
Nhu cầu này vẫn rất cao, đặc biệt là trong phân khúc khách hàng thế hệ Z – những người đang rất mong ngóng được “bung xõa” sau 2 năm bó gối ngồi nhà do các chính sách phong tỏa và giãn cách thời đại dịch. Những chương trình phiêu lưu mạo hiểm được thiết kế hợp lý sẽ được đón nhận mạnh mẽ.
Xu hướng làm việc từ xa tác động ra sao đến thói quen di chuyển và chi tiêu của các doanh nghiệp? Dự đoán của bà về tương lai của lĩnh vực du lịch công tác là gì?
Trong khi chúng ta đang bắt đầu quen với các cuộc gặp gỡ và giao dịch ảo, tôi vẫn tin rằng sự tiếp xúc của con người sẽ là điều cần thiết để mọi thứ thực sự quay trở lại với nhịp sống cũ. Chúng ta có thể chứng kiến điều này ở châu Âu, nơi các hội chợ thương mại đã trở lại bình thường, và các đối tác kinh doanh đang rất hào hứng với những cuộc gặp mặt trao đổi trực tiếp. Tôi nghĩ việc kinh doanh cần yếu tố con người – điều rất khó cảm nhận được qua màn hình ảo.
Trong bối cảnh đại dịch, khi sức khỏe trở thành một thứ tài sản mới, du lịch wellness được dự đoán là yếu tố quan trọng tiếp theo. Bà có thể chia sẻ về xu hướng mới này và các khu nghỉ dưỡng/khách sạn cao cấp cần phải làm gì để đáp ứng nhu cầu này từ lớp du khách giàu có?
Tôi nhận thấy rằng, nhu cầu phục hồi tâm-thân-trí thời hậu đại dịch là rất lớn. Thế nên, các thương hiệu nghỉ dưỡng trước đây cung cấp dịch vụ trị liệu spa đơn giản giờ đây sẽ phải tiến xa hơn nữa để mang đến các giải pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhu cầu của du khách. Những cách thức tiếp cận mang tính cá nhân hóa và tùy biến hơn cũng cần được lưu tâm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của từng du khách, và điều này lý giải tiềm năng to lớn đối với các giải pháp trị liệu wellness thời hậu Covid.
“Du lịch bằng chuyên cơ riêng và du lịch đến những hòn đảo riêng sẽ lên ngôi.”
Sự riêng tư và an toàn là những yếu tố được du khách ưu tiên hàng đầu sau đại dịch, dẫn đến nhu cầu cao đối với hình thức thuê bao trọn gói khu nghỉ dưỡng/khách sạn. Ý kiến của bà về xu hướng này?
Đó là một xu hướng khá rõ nét thời hậu đại dịch. Chúng tôi nhận thấy một thực tế từ các đơn đặt phòng gần đây rằng các gia đình muốn đi du lịch cùng nhau trong không gian riêng tư và an toàn, đồng thời vẫn muốn tận hưởng những trải nghiệm cá nhân hóa đáng nhớ. Hình thức du lịch gia đình nhiều thế hệ đòi hỏi một số ý tưởng và cách thức sáng tạo để đảm bảo sự hài lòng của cả gia đình lẫn từng cá nhân.
Bà có thể chia sẻ về kế hoạch của Heavens Portfolio trong những năm tới?
Chúng tôi đang đa dạng hóa hoạt động và hy vọng với các văn phòng mới tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, Heavens Portfolio có thể đẩy mạnh sự hiện diện của mình với nhiều dịch vụ hơn, giúp các khách hàng tạo dựng dấu ấn của mình một cách mạnh mẽ hơn tại thị trường châu Á.
Chúng tôi cũng nhận thức được mô hình đặt phòng vào phút chót cùng các yêu cầu lưu trú khắt khe của du khách và đang dốc sức cho các hoạt động concierge nhằm giúp các đối tác của mình hoàn tất giao dịch một cách kịp thời. Nhu cầu du ngoạn sẽ bùng nổ trong thời gian tới, thế nên, du khách nên có kế hoạch đặt phòng ngay từ bây giờ để chuyến đi trở nên hoàn hảo hơn.
(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 11 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Car of the year”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây)