Anh có thể chia sẻ về chặng đường gắn bó cùng nghệ thuật điêu khắc?
Trước khi thực sự theo đuổi đam mê, tôi đã từng đi tu, rồi làm thợ cơ khí, nhưng luôn cảm thấy lối đi đó không phù hợp với bản thân. Ngày còn bé, mỗi khi đi học về, tôi lại đi ngang qua chùa Linh Thứu ở Nha Trang, mải miết ngắm nhìn mọi người đắp tượng. Rồi đến năm mười mấy tuổi, tôi còn tập tành nặn con trâu, con bò đem đi tặng bạn bè xung quanh. Giây phút tôi quyết định bỏ nghề cơ khí, bạn bè ai cũng bảo đi làm nghệ thuật là tự sát, vì ngày đó còn nghèo đối quá mà!
Tôi quyết tâm vào đại học Mỹ thuật TP.HCM, cả lớp có mỗi hai đứa. Đến bữa cơm thì hay bám theo thằng bạn, nó ăn cơm thì mình gọi dĩa cơm thêm ăn cùng. Tối đên thì đạp xe vài ba cây số đến lò bánh để mua ổ bánh mỳ không với giá thật rẻ. Trong lúc khó khăn, tôi lại càng quyết tâm hơn. Khi ra trường, tôi nhận làm các công trình lớn nhỏ vừa để kiếm sống vừa để học những điều căn bản. Sau 40 tuổi, tôi quyết định rằng giàu nghèo không phải là có nhiều hay ít tiền, mà là dành thời gian cho bản thân nhiều hay ít.
Nguồn cảm hứng chủ đao trong các tác phẩm của anh?
Có hai hướng đi rõ rệt khi tôi sáng tạo. Thứ nhất là mình làm theo cảm xúc của bản thân, mỗi tác phẩm chính là một trang nhật ký cuộc sống, mỗi bức tượng là một câu chuyện. Thứ hai là chọn một đề tài nào đó đem lại niềm tin, đưa tới sự khác biệt, có khả năng chia sẻ cùng người khác, phục vụ cộng đồng hay đơn giản là mang tính “chúng ta” hơn là “cái tôi”.
Đối với tôi, điều kiện để tạo ra những sáng tạo nguyên bản là tác phẩm đó cần phải mang dấu ấn văn hóa bản địa. Thêm vào đó là dấu ấn thời gian, những tác phẩm của tôi phải thể hiện được rõ tinh thần của thế kỷ 21, mang tính cách hiện đại. Cuối cùng chính là dấu ấn cá nhân, nhìn vào là toát ra phong thái của Xuân Hùng, chứ không phải ai khác.

Vậy dấu ấn cá nhân của anh là?
Chính là phong cách dân gian. Chúng ta là người Việt, nhìn vào tác phẩm của tôi, người xem biế tôi từ mảnh đất miền Trung với nét văn hóa của người Chăm. Mỗi tác phẩm được tạo ra để đem lại một ấn tượng và cảm xúc riêng, nhưng không nhất thiết phải dựa trên những hình tượng thật.
Trong nghệ thuật, tạo ra được khoái cảm thẩm mỹ là một thành công lớn. Bước ra khỏi trường lớp, mỗi nghệ sĩ điêu khắc phải chọn cho mình một chất liệu chủ đạo, có người chọn sắt, đồng hay gỗ, còn tôi thì chọn gốm. Một chất liệu mà nhắc tới ai cũng chỉ liên tưởng đến những món đồ gia dụng, chứ không ai nghĩ đến những tác phẩm nghệ thuật cả, và tôi muốn thay đổi điều đó. Đến năm 40 tuổi, tôi rẽ lối chọn đất nung là ngôn ngữ thể hiện với tuyển tập tác phẩm gần đây nhất lấy cảm hứng từ ngụ ngôn trong Kinh Thánh, những câu chuyện rất đời thường và đầy tính nhân văn.
Vốn là một chất liệu rất bình dân, anh đã làm như thế nào để đất nung mang giá trị nghệ thuật cao hơn?
Khi mà giá trị nghệ thuật đạt tới đỉnh cao thì người ta quên đi tính chất liệu. Tính tạo hình, bố cục và chủ đề sẽ mang lại giá trị thẩm mỹ, chứ không ai soi xét cục đất sét nung đó có bao nhiêu kí đất, bột hay men nữa. Bản thân tôi cũng phải mày mò để tìm ra những kỹ thuật nung riêng để điều khiển những mảng màu đen đỏ khác nhau ở những vị trí mình chủ đích.
Dự án sắp tới của anh là gì? Anh có nhắm đến một góc nhìn văn hóa khác hay những đề tài có tính thời sự?
Tôi đang cải tạo miếng đất 400 mét vuông tại Nha Trang thành phòng trưng bày để mọi người có thể lui tới thăm quan. Tôi muốn biến ngôi nhà của mình thành một ngôi đền tình yêu. Còn về tác phẩm, tôi muốn sử dụng chất liệu đất nung để phản ánh truyện cổ tích Việt Nam, với mong muốn không chỉ mang hình thái của tác phẩm nghệ thuật, mà còn có thể để giảng dạy hay trưng bày.
Thực ra, tôi vẫn luôn lồng ghép nhận thức của thời đại vào trong tác phẩm, ví dụ như bức Sơn Tinh đánh Long Sư dưới biển, hình ảnh thủy quái đó khi đặt vào câu chuyện tranh chấp lãnh thổ thì mang tới ý nghĩa khác. Hay câu chuyện Thánh Gióng, thể hiện sức mạnh toàn dân đồng lòng. Những câu chuyện ngày bé, chúng ta học cách yêu nước, học cái nhân văn chính từ truyện cổ tích.
Xin cám ơn anh về buổi trò chuyện!
Đôi nét về ĐOÀN XUÂN HÙNG
Sinh năm 1960 tại Nha Trang, Đoàn Xuân Hùng chọn ngành cơ khí sau khi tốt nghiệp phổ thông. Với khát khao theo đuổi nghề điêu khắc, anh ra Huế theo học dự bị tại Đại học Mỹ thuật Huế, sau đó học tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM, khoa Điêu khắc.
Sau khi ra trường, anh dành thời gian giảng dạy ở quê nhà tại trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Khánh Hòa. Hai năm sau, anh cùng bạn bè thi công công trình xưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Hiện nay, anh di chuyển giữa TP.HCM và Nha Trang để thực hiện các dự án khác nhau. Anh đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gốm Mỹ thuật Sài Gòn.
Năm 2009 và 2011, anh thực hiện triển lãm cá nhân về gốm Chăm và Lư Cấm tại Tháp Bà Nha Trang. Năm 2015 đánh dấu bởi triển lãm “Đất và ngụ ngôn Kinh Thánh tại Tp.Hồ Chí Minh. Kết hợp cùng kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên kiến tạo công viên Đất nung Thanh Hà.