Robbreport Viet Nam
Robbreport Viet Nam

    Để không lạc lối trong cuộc đua “điểm đến”

    Ở đời có vô vàn điểm đến, thậm chí không cần đi vẫn có nhiều điểm đến nên khái niệm này đôi khi bị xem nhẹ. Đến mức, khi được hỏi về điểm đến tiếp theo là gì, ta thường ú ớ, không biết trả lời thế nào.

    Đôi khi lên mạng thấy một diễn viên nào đó khoe mặc chiếc váy vài tỷ đồng, nhiều người trầm trò, thích thú. Có được chiếc váy này để khoe cũng là một sự cố gắng, một khẳng định, vì không mấy ai mua được. Nhưng thử tự hỏi mặc váy này xong thì đi đâu, phần lớn rất khó có câu trả lời, vì điểm đến của chiếc váy xa xỉ không thể là các điểm check-in hoặc sự kiện bình thường, càng không phải chỉ để khoe trên mạng.

    Cả thanh xuân của Tấm hoặc Lọ Lem chỉ được trưng diện áo quần đẹp có một lần, nhưng nhờ đúng điểm đến – “đúng người, đúng việc” – mà công thành, danh toại. Nhiều minh tinh sáng chói của quốc tế thường không son phấn, thường ăn mặc xuề xòa, chỉ vì họ biết những ngày ấy không có điểm đến, trưng diện để làm gì. Chỉ khi có các sự kiện thảm đỏ xứng tầm, các liên hoan phim đẳng cấp, họ sẽ diện những bộ váy và trang sức siêu xa xỉ, vì biết nơi đến ấy có người thưởng thức, bình phẩm.

    Người xưa có câu chuyện Lợn cưới, áo mới kể về cuộc khoe khoang giữa anh có con lợn cưới và anh có áo mới. Hai anh này bị châm biếm, suy cho cùng,cũng là do thiếu điểm đến. Còn trong Truyện Kiều, cặp câu 723-724 “Cậy em, em có chịu lời/Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”, ta thấy Thúy Kiều đã biết điểm đến hệ trọng của đời mình. Đó là nhường Kim Trọng cho Thúy Vân – tình chị, duyên em – để “bán mình, chuộc cha”, để bước chân vào chốn đoạn trường, 15 năm lưu lạc.

    Thúy Kiều và Thúy Vân là hai chị em xinh đẹp như nhau, vậy Thúy Vân cũng có thể bán mình chuộc cha được, nhưng tại sao không bán? Vì chỉ có Thúy Kiều nhìn thấy được điểm đến của cuộc đoạn trường này, còn Thúy Vân thì chưa. Vì biết được “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, nên Thúy Kiều chủ động chọn điểm đến là cuộc đoạn trường, để cho Thúy Vân và Kim Trọng được yên ổn hơn. Bởi rõ ràng, với tính cách như Thúy Vân, thì dù “Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em” vẫn là điểm đến hợp lý hơn chốn đoạn trường kia. Nói cách khác, với đoạn trường thì Thúy Kiều chủ động đón nhận, còn với Thúy Vân, nếu có, chỉ là một tai nạn, một điều nằm ngoài dự tính.

    Trong nhiều khảo sát gần đây, khi hỏi các học sinh cấp 3 rằng dự tính nghề nghiệp hoặc điểm đến sau phổ thông là gì, đa số không biết trả lời. Điều này có thể do gia đình và xã hội đã chọn điểm đến thay cho các em, hoặc môi trường giáo dục chưa đủ kích thích để các em tự suy nghĩ về điểm đến của đời mình. Hậu quả là nhiều em học xong đại học, cao học cũng chưa biết mình thích gì, muốn gì, mơ gì. Trong nhiều gia đình khá giả, đặc biệt ở Trung Quốc, xuất hiện tình trạng “full-time children”, tức trưởng thành mà vẫn còn ăn bám cha mẹ.

    Một trong vài khác biệt giữa người thành công, hạnh phúc so với phần còn lại là ở khả năng chọn lựa điểm đến. Thậm chí, ngay từ sớm đã xác định điểm đến là không có điểm đến, sống tự tại với không điểm đến, không làm phiền chính mình và người khác, đó cũng là một chọn lựa.

    RELATED STORIES

    FOLLOW US