Robbreport Viet Nam
Robbreport Viet Nam

    Dấu ấn toàn cầu của F1: Khi tốc độ kiến tạo giá trị đa chiều

    Giải đua xe F1 có ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều lĩnh vực của đời sống con người.

    Có một sự thật “rõ như ban ngày”: Những tiến bộ công nghệ từ Formula 1 sớm hay muộn sẽ được ứng dụng vào những dòng xe phổ thông. Tuy nhiên, một trong những điều người ta ít bàn tới về giải đua xe hàng đầu thế giới là tác động sâu rộng của nó lên hàng loạt lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khác. 

    Những kỹ sư, nhà thiết kế và chuyên gia hậu cần tài năng trong F1 – giải đấu vừa bước vào mùa giải thứ 75 – không ngừng tối ưu hóa các quy trình trong cuộc chiến giành hiệu suất tối ưu, cạnh tranh đến từng phần trăm giây và từng phần nghìn gram, để gia tăng lợi thế cạnh tranh. 

    “Chúng tôi hiểu được bản chất vật lý của một vấn đề, đặt ra những câu hỏi phù hợp, và nhờ đó có thể đi đến các điểm mấu chốt và đưa ra giải pháp khả thi,” Jason Smith, giám đốc bộ phận Khoa học ứng dụng của đội đua Mercedes-AMG Petronas F1 chia sẻ. Những đổi mới này lan tỏa sang nhiều ngành công nghiệp khác, từ hàng không vũ trụ đến thể thao – nơi có những đôi giày chạy bộ làm từ sợi carbon xuất hiện trong Thế vận hội Olympic gần đây. Tuy nhiên, một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất chính là y tế, nơi mà những dấu ấn của F1 đã được chứng minh rõ rệt.

    Vào những năm 1990, Bệnh viện nhi Great Ormond Street ở Luân Đôn đã áp dụng các nguyên lý trong quy trình dừng pit của đội Ferrari để tổ chức nhân sự một cách hiệu quả hơn, cải thiện mức độ an toàn lẫn hiệu quả, qua đó hạn chế tối đa các sai sót. 

    Gần đây hơn, khi đại dịch Covid-19 bùng phát đòi hỏi việc phát triển và phân phối thiết bị y tế một cách tối ưu, một liên minh gồm các kỹ sư từ Red Bull, Renault, Mercedes, Racing Point, Williams và Haas đã hợp tác để đẩy nhanh việc sản xuất máy thở, trong đó đội Mercedes trực tiếp tham gia chế tạo các thiết bị CPAP. “Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều về mạch thở để giảm tối đa lượng oxy sử dụng,” giáo sư Becky Shipley – chuyên gia kỹ thuật y tế tại Đại học Luân Đôn và là giám đốc nghiên cứu tại UCLPartners – chia sẻ. Các cơ sở sản xuất của F1 cũng được chuyển đổi với tốc độ chóng mặt để sản xuất máy thở. Chính phủ Anh đã cho phép sản xuất 10.000 đơn vị, phân phối đến hơn 130 bệnh viện trên toàn quốc, với công suất cao điểm hơn 1.000 chiếc được sản xuất mỗi ngày. 

    Giải đua thuyền buồm danh giá thường xuyên có sự đóng góp của các kỹ sư tài năng từ Giải đua F1.

    Bruno Botelho, Giám đốc vận hành số và đổi mới tại Quỹ Chelsea & Westminster NHS cho hay, sự hợp tác của ông với Toto Wolff – Đội trưởng đội đua Mercedes – đã giúp ứng dụng một số phương pháp tốt nhất từ F1 vào môi trường bệnh viện. “Cách họ vận hành và giao tiếp, cũng như việc nuôi dưỡng một văn hóa không đổ lỗi đã giúp tôi nhận ra cách tiếp cận đó có thể được mở rộng sang các tổ chức ngoài lĩnh vực đua xe như thế nào.”

    Một điểm đặc biệt thú vị trong chương trình vận hành của F1 là góp phần tạo nên một mô hình cộng sinh khác biệt. Vào năm 2021, ban tổ chức đưa ra giới hạn chi phí 145 triệu đô la cho mỗi đội đua nhằm cân bằng sân chơi. “Chúng tôi có 2 lựa chọn: Hoặc thu hẹp tổ chức của mình rồi đánh mất lợi thế từ các tài năng kỹ thuật đã được gầy dựng qua nhiều năm trời; hoặc thiết lập một quy trình phân bổ thời gian của các kỹ sư F1 cho những dự án bên ngoài giải đua.” Jason Smith chia sẻ. Từ đó, bộ phận Khoa học Ứng dụng (Applied Science) của đội Mercedes đã được ra đời.

    F1 có hiệu ứng lan toả đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.

    Giờ đây, chiến lược này đã được nhiều đội đua áp dụng rộng rãi, điển hình như Red Bull với bộ phận Advanced Technologies và Williams với Grand Prix Technologies.

    Smith cho biết, những lợi ích từ cách tiếp cận này thường thể hiện rõ hơn trong các ứng dụng cao cấp & chuyên biệt thay vì các sản phẩm mang tính phổ thông, và ông dẫn chứng một dự án liên quan đến tàu lượn siêu tốc nhanh nhất thế giới tại Ả Rập Xê Út.

    Khi các nhà phát triển nhận ra rằng, di chuyển tốc độ cao đòi hỏi hành khách phải đeo kính bảo vệ mắt, nhóm của Smith đã thiết kế các tấm chắn hai bên giúp chuyển hướng luồng không khí, nhờ đó hành khách không cần dùng đến kính. Bên cạnh đó, các đội đua như Red Bull, Ferrari, và McLaren cũng thường xuyên đóng góp nhân lực dư thừa cho giải đua thuyền America’s Cup danh giá. 

    RELATED STORIES

    FOLLOW US