Chia sẻ cùng báo giới trong buổi gặp gỡ chiều 2/8, Nhạc trưởng Lê Ha My, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. HCM (HBSO) cho biết đây là dự án đã được ấp ủ từ năm 2020 nhưng gặp phải sự gián đoạn do đại dịch. Tác phẩm thể hiện tâm huyết và những thể nghiệm mới lạ của một ê-kíp nghệ thuật Đức-Việt trẻ trung, đầy sáng tạo đến từ kịch bản, lời thoại, trang phục, sân khấu, nhằm truyền tải màu sắc tươi vui hài hước của bản gốc hơn 100 năm vào một câu chuyện mới mang nhịp sống thời đại ngày nay.
Nguyên nhân lựa chọn vở operetta kinh điển “Die Lustige Witwe” để công diễn tại Việt Nam lần này được vị giám đốc của nhà hát sắp kỷ niệm 30 năm thành lập lý giải đến từ nét tương đồng của 2 nền văn hóa Việt-Đức, cốt chuyện hấp dẫn đối với khán giả Việt, cùng với đó là khả năng của nhà hát trong việc hiện thực hóa tác phẩm, từ quy mô sân khấu cho đến năng lực của các nghệ sỹ biểu diễn.

Cũng theo ông Lê Ha My, để có thể triển khai một dự án nhạc kịch luôn đòi hỏi sự công phu cùng nhiều khó khăn, thử thách dẫn đến số lượng những vở nhạc kịch ở TP.HCM rất khiêm tốn trong hai đến ba thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, Viện Goethe và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM chỉ trong một quãng thời gian ngắn đã có khá nhiều dự án hợp tác với nhau bắt đầu từ vở nhạc kịch “Con Dơi”, “Nhà Thiện Xạ” và gần đây nhất là vở “Ký ức ngày hôm qua”.

Đạo diễn Anna Weber, người đã thực hiện nhiều dự án sân khấu-nhạc kịch quanh nước Đức cho biết hình thức operetta với không khí vui nhộn và khả năng lồng ghép phê bình xã hội vào sự hài hước rất phù hợp để truyền tải câu chuyện về vị trí của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Thay vì tính hàn lâm thường thấy trong các ác phẩm opera cổ điển, trong 2 đêm diễn lần này của “Quả phụ vui tính”, khán giả có thể hòa mình cùng hát, nhảy với các nghệ sỹ thông qua phần âm nhạc sôi động, dễ nghe và sự tương tác trực tiếp ngay bên dưới sân khấu.

Sự gần gũi, cuốn hút của vở diễn còn đến từ những câu thoại đậm chất Việt của biên kịch Trà Nguyễn, Thạc sĩ Nghệ thuật ngành Biên kịch của ĐH Carnegie Mellon từ học bổng Fulbright. “Ý tưởng làm mới một tác phẩm có tuổi đời hơn 100 năm xuất phát từ đạo diễn Anna Weber và nhạc trưởng Askan Geisler. Dựa trên tinh thần đó, tôi có mong muốn chuyển thể tác phẩm thành dạng kịch, với những lời thoại được viết mới trong từng phân cảnh khiến câu chuyện được mạch lạc và dễ hình dung hơn so với phiên bản gốc”, Trà Nguyễn chia sẻ.
Cũng theo Trà Nguyễn, bối cảnh câu chuyện thay vì diễn ra tại một quốc gia nhỏ bé của châu Âu lại được đưa vào một nhà hát tưởng tượng và những nhân vật cũ như Baron (bá tước) lại trở thành giám đốc nhà hát mang tính đương thời, cộng hưởng cùng phần phục trang và thiết kế sân khấu đầy tính đột phá, mới lạ.

Vở diễn lần này còn có sự tham gia của Askan Geisler, Chỉ huy Dàn nhạc, từng thực hiện nhiều dự án tương tự với Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. HCM nhiều năm qua. Lina Oanh Nguyễn, nhà thiết kế sân khấu người Đức gốc Việt với gần mười lăm năm kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp tại châu Âu. Lần này, cô đem vào tác phẩm không khí sôi nổi của đường phố và các khu chợ Sài Gòn, với logic riêng đáng yêu của chúng.
Tom Trandt, thiết kế phục trang, đang là một nhà thiết kế thời trang được nhiều bạn trẻ biết đến với phong cách “Phi giới tính, Đa dạng, Sáng tạo, và Táo Bạo.” Dù đã thực hiện rất nhiều dự án hợp tác thời trang, đây là lần đầu tiên anh phụ trách phục trang cho một vở nhạc kịch.
“Quả phụ vui tính” sẽ có sự tham gia của những nghệ sĩ opera hàng đầu hiện nay. Phạm Khánh Ngọc trong vai quả phụ Hanna Glawari, nghệ sĩ giọng baritone Đào Mác sẽ vào vai người tình Danilo Danilowitsch của quả phụ, nhân vật chính của vở diễn. Nghệ sĩ giọng tenor Phạm Trang sẽ đảm nhận vai Camille de Rosillon, một nhận vật trung tâm của những âm mưu thú vị. Nghệ sĩ Duyên Nguyệt hóa thân thành nhân vật Valencienne Zeta lãng mạn. Các nghệ sĩ tài năng như Nguyễn Thu Hường, Phan Hữu Trung Kiệt, Trần Thanh Nam cũng sẽ tham gia trong các vai tạo nhiều kịch tính.
Vở diễn “Việt hóa” có bối cảnh khi Hanna Glawari, một quả phụ giàu có, đến thăm nhà hát. Giám đốc Zeta dựng nên một màn chào đón thật hoành tráng, hi vọng đạo diễn đẹp trai phớt đời Danilo Danilowitsch của nhà hát có thể cưa đổ Hanna và bằng cách đó cô sẽ tài trợ cho vở diễn lớn “Maxim” (và gián tiếp tài trợ cho nhà hát). Ông có biết đâu Danilo và Hanna từng có một mối tình cay đắng, và ép duyên họ bây giờ không phải là ý kiến tuyệt nhất trần đời. Vậy nhưng toàn bộ cánh đàn ông của nhà hát đều cảm thấy mình có cơ hội với Hanna, và sự săn đón của họ khiến mọi chuyện trở nên rối rắm. Chưa hết, vợ của Giám đốc, ngôi sao soprano Valencienne Zeta, lại có mối tình vụng trộm với khách mời giọng tenor Camille de Rosillon, và cũng có âm mưu của riêng cô để che đậy cuộc phiêu lưu tình ái này. Những cuộc tình chồng chéo này sẽ được tháo gỡ như thế nào? Tiền bạc có giải quyết được chuyện gì? Tất cả sẽ có câu trả lời trong 2 đêm công diễn 12-13/8 tới đây.
Công diễn lần đầu năm 1905 tại Áo, “Quả Phụ Vui Tính” (Die Lustige Witwe) lập tức được đón nhận nồng nhiệt, diễn gần 500 suất ở Áo và các nước châu Âu. Chỉ hai năm sau khi ra mắt, vở diễn xuất hiện ở Broadway và mở màn hơn 400 suất. Câu chuyện tình yêu lắt léo và hài hước này đã được dựng thành ballet và chuyển thể thành phim nhiều lần. Không chỉ vậy, cả bản thu âm lẫn tổng phổ của vở diễn đều được bán với số lượng kỷ lục, đạt đến ngưỡng chục triệu đô. Khán giả có thể cảm thấy một số nhạc phẩm như “Wie eine Rosenknospe” (Như Một Nụ Hồng) hay “Da geh’ ich zu Maxim” (Tìm Tôi ở Maxim’s) rất quen tai vì các bài hát này đã được phát hàng chục ngàn lần trên các phương tiện truyền thanh khắp thế giới.