Asif Khan, kiến trúc sư từng đoạt giải thưởng từng thiết kế không gian triển lãm mới của Cartier tại Bảo tàng Victoria & Albert ở London, đã có một phản ứng đầy cảm xúc khi thử chiếc vòng cổ La Patiala – một trong những chiếc vòng cổ được trưng bày.
Là món trang sức của một maharaja Ấn Độ vào năm 1928, chiếc vòng này được nạm hơn 960 carat kim cương. Nhưng Khan không nghĩ về giá trị của nó.
“Tôi đã nghĩ, ai trong gia đình mình còn sống [khi nó được làm ra]?” – ông nói. “Rằng chắt của họ sẽ được đeo món trang sức của một vị maharaja – tôi không nghĩ ai có thể tưởng tượng được điều đó.”

Chiếc vòng cổ, một trong hơn 350 món đồ trưng bày trong buổi triển lãm mới mang tên “Cartier”, được giới thiệu cùng với các tạo tác khác vốn từng được nhiều thành viên hoàng tộc khác nhau đeo. Mỗi món đồ, bao gồm một chiếc trâm cài hình hoa hồng từng thuộc sở hữu của Công chúa Margaret và một chiếc vương miện ngọc xanh biển và kim cương của Công chúa Anne, được bao quanh bởi một sắc thái khác nhau.
Khan, người mắc chứng mù màu, cho biết đã chọn dải màu cầu vồng để thể hiện các thời điểm khác nhau trong ngày. “Ánh sáng mà bạn thấy ở hậu cảnh là ánh sáng của Windsor lúc chạng vạng, và ở tiền cảnh là màu đỏ của Delhi lúc hoàng hôn,” – ông nói.
Việc tạo ra mối liên hệ cảm xúc sâu sắc như vậy giữa khách tham quan triển lãm được khai mạc vào ngày 12 tháng 4, và các món đồ trưng bày là điều không hề dễ dàng. Mỗi món đồ – do Helen Molesworth, giám tuyển cấp cao về trang sức của V&A, và Rachel Garrahan chọn lựa – đều minh chứng cho cách anh em Louis, Pierre và Jacques Cartier biến doanh nghiệp gia đình thành một thương hiệu được công nhận trên toàn cầu.

Từ các cửa hàng và xưởng chế tác của họ ở New York, Paris và London, bộ ba đã giúp cha mình, Alfred, phát triển một phong cách thẩm mỹ độc đáo, trở nên dễ nhận biết và được khao khát trên toàn cầu.
Trong quá trình đó, họ đã tạo ra một loạt quy tắc kinh điển, đặt ra tiêu chuẩn cho vẻ đẹp sang trọng trong thế kỷ 20 và sau này. (Các tác phẩm của họ đã phổ biến hóa khái niệm “Tutti Frutti” của Ấn Độ – một kiểu kết hợp giữa ngọc lục bảo, ngọc bích và hồng ngọc ở phương Tây; khơi nguồn tình yêu lâu dài dành cho báo đốm; và củng cố Art Deco như một phong cách vượt thời gian.)
“Việc Cartier vẫn là một tên tuổi quen thuộc cho đến nay gắn với tầm nhìn sáng tạo mà họ đã đặt ra,” – Garrahan nói.
Dưới đây là những món đồ tiêu biểu thể hiện rõ nhận định này.
Đồng hồ để bàn trên giá mực, 1908

Anh em nhà Cartier đã dành nhiều thời gian du hý đó đây để mở rộng việc kinh doanh của mình ra ngoài phạm vi Paris. Ở Nga, họ có được một số khách hàng giàu có, những người có gu thẩm mỹ đối với những gì duy mỹ vốn đã được định hình bởi Fabergé, nghệ nhân kim hoàn của triều đình Nga. Giá mực này minh chứng cho cách “họ lấy cảm hứng từ những món đồ tráng men Fabergé đó, nhưng tạo ra điều gì đó thực sự khác biệt,” – Garrahan giải thích. “Màu hoa cà bạc tuyệt đẹp này là đặc trưng riêng của Cartier.”
Trâm cài Stomacher, 1913

Kể từ khi thành lập vào năm 1847, Cartier phần lớn đã ký hợp đồng với các nghệ nhân kim hoàn độc lập trên khắp Paris. Chiếc trâm cài này thể hiện sự thay đổi thẩm mỹ khi Louis, người con trai cả trong số ba người con trai của Alfred Cartier, đưa thiết kế vào xưởng chế tác của công ty. Theo Garrahan, “Điều mà Louis đã có tầm nhìn xa trông rộng để nhận ra là bạn có thể xây dựng danh tiếng cho thương hiệu của mình nếu kiểm soát được sản phẩm đầu ra.” Trong trường hợp này, điều đó có nghĩa là pha lê đá được chạm khắc tinh xảo với một loạt kim cương nạm bạch kim theo phong cách vòng hoa được maison mô phỏng rộng rãi.
Đồng hồ đeo tay Panthère-Pattern, 1914

Được chế tác từ kim cương và mã não, thiết kế từ thời Thế chiến I này là ví dụ sớm nhất về họa tiết Panthère (Báo đốm) xuất hiện trên đồng hồ. Nó báo trước cả sự ám ảnh của nhà mốt với loài mèo lớn và phong cách Art Deco mà Cartier gắn liền tên tuổi. “Đó là một hiện thực hóa trừu tượng về chú báo,” – Garrahan chia sẻ. “Cùng lúc họ thực hiện phong cách vòng hoa này, và chuyển sang phong cách thiết kế sắc sảo, mang cảm hứng hiện đại hơn.”
Trâm cài Sekhmet, 1925

Là một trong những món đồ yêu thích của Garrahan, chiếc trâm cài này được chế tác trong làn sóng tôn vinh văn hóa Ai Cập sau khi phát hiện ra lăng mộ của Vua Tut. Phần thân bằng đồ gốm tráng men (hoặc faience) của Sekhmet, nữ thần chiến tranh, được tô điểm bằng những viên đá quý. Đó là một ví dụ tinh tế về việc nhà mốt “nghiên cứu quá khứ và tạo ra thứ gì đó cho hiện tại,” – Garrahan cho biết.
Vòng cổ kim cương và ngọc lục bảo, 1932

Chiếc vòng cổ lộng lẫy này được chế tác cho Beatrice Forbes, Nữ bá tước xứ Granard – một trong khoảng 450 người được gọi là “nữ công tước đô la” (dollar duchesses), hay những quý bà giàu có người Mỹ kết hôn với giới quý tộc châu Âu trong thế kỷ 19-20. “Bà ấy yêu trang sức của mình và không ngại phô trương chúng,” – Garrahan nói. Chiếc vòng cổ thể hiện sự chuyển hướng khỏi phong cách sautoir của những năm 1920, “nhưng các họa tiết xung quanh nó được lấy cảm hứng sâu sắc từ nghệ thuật Hồi giáo. Bạn có thể thấy việc nghiên cứu các nền văn hóa khác được thể hiện rõ nét.”
Vương miện ngọc xanh biển và kim cương, 1937

Lễ đăng quang của Vua George VI đã truyền cảm hứng cho một số lượng lớn chưa từng có các đơn đặt hàng vương miện vào năm 1937. “Vương miện đã lỗi mốt ở Paris và New York vào thời điểm này, nhưng ở London, chúng vẫn là một yêu cầu của trang phục triều đình,” – Garrahan chia sẻ. Các loại đá quý trên vương miện cũng đại diện cho một khía cạnh khác của thời kỳ hậu Đại suy thoái. “Việc sử dụng một loại đá bán quý, như ngọc xanh biển, là rất thời trang vào thời điểm đó,” – bà cho biết.
Trâm cài Panthère, 1989

Là họa tiết lặp đi lặp lại của nhà mốt, báo đốm gợi lên cảm giác về vẻ nữ tính mạnh mẽ nhưng không kém phần thanh lịch – một phẩm chất được thể hiện bởi nhân vật nổi tiếng trong giới thượng lưu Thời đại nhạc Jazz – Marchesa Luisa Casati, người cũng nuôi loài mèo lớn làm thú cưng. Món đồ này là một trong nhóm trang sức được trưng bày trong một khu rừng toàn màu trắng do ê-kíp của Khan tạo dựng. “Chú báo nằm dài trên một nhánh san hô, với ba chi của nó di chuyển, vì vậy có một chút gì đó hài hước, nhưng vẫn rất tinh xảo,” – Garrahan nói.
Vòng cổ Panthère, 1990

Do Micheline Kanoui thiết kế, chiếc vòng cổ này được chọn để thể hiện mức độ phổ biến của mẫu Cartier Panthère trong các kho lưu trữ của công ty. “Nó thực sự thể hiện những món trang sức quyền lực của thập niên 90, khi thiết kế bằng vàng đậm màu được ưa chuộng,” – Garrahan nói. “Chúng tôi nghĩ rằng nó xứng đáng có vị trí của mình giữa những món trang sức báo đốm khác được trưng bày.”