Theo ông, GPHG có vai trò gì trong sự phát triển của ngành đồng hồ?
Có thể gọi chúng tôi là những đại sứ của ngành đồng hồ với một giải thưởng dành để tôn vinh những gì tinh tuý nhất. GPHG tập hợp nhiều thương hiệu, từ các nhà chế tác độc lập cho tới những tập đoàn hùng mạnh, và được quảng bá rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài ra, GPHP còn giúp tìm lại những giá trị cốt lõi của ngành đồng hồ. Các cỗ máy thời gian giờ đây không đơn thuần chỉ dùng để đo thời gian. Chúng ẩn chứa những giá trị truyền thống lẫn sự đổi mới và sáng tạo. Chúng là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Nhân loại nói chung và thế hệ trẻ nói riêng đang có xu hướng tìm lại những giá trị cốt lõi thông qua việc sở hữu một chiếc đồng hồ. Đó cũng là lý do GPHG không chỉ có các mẫu đồng hồ đắt đỏ lên tới hàng trăm ngàn hay vài triệu đô mà có cả những chiếc chỉ vài ba ngàn đô mà thôi.
GPHG không chỉ là sự kiện mang tính quảng bá mà còn là cuộc thi đúng nghĩa. Chiến thắng trong cuộc thi này là điểm nhấn quan trọng trong chiến dịch marketing của từng hãng.
Ngoài ra, chúng tôi còn gắn liền với sứ mệnh truyền tải văn hoá đồng hồ. Bạn biết đấy, đằng sau mỗi thiết kế là rất nhiều tâm sức và tài nghệ của nhà chế tác. Đặc biệt, bền vững trong ngành đồng hồ cũng là trăn trở của GPHG. Chúng tôi đang thúc đẩy xu hướng này theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, vì ngành đồng hồ có những đặc thù rất riêng.

Tại sao GPHG chọn Việt Nam làm điểm đến trong hành trình năm nay?
Vì chúng tôi tin vào Việt Nam, tin vào nguồn năng lượng của đất nước này. Việt Nam đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, ở đây cũng có một lượng lớn khách hàng của ngành đồng hồ. Bên cạnh đó, lớp trẻ Việt Nam cũng rất cởi mở trước những cái hay cái mới. Đó chính là cơ hội để chúng tôi thúc đẩy tình yêu và sự hiểu biết về văn hoá đồng hồ tại đây. Với tôi, đây chính là thời điểm chín muồi để GPHG có mặt tại Việt Nam.
Ngoài ra, với The Hour Glass, chúng tôi có một đối tác tin cậy với những hiểu biết sâu sắc về thị trường, đủ khả năng tạo lập nền tảng cho một sự kiện tầm cỡ như lần này.
Theo ông, có gì khác biệt giữa cuộc thi của năm trước và năm nay?
Khác biệt lớn nhất nằm ở bối cảnh. 2023 là một năm bùng nổ của ngành đồng hồ trong khi 2024 là thời khắc khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng dù kinh tế có bùng nổ hay suy thoái, một sự kiện như GPHG là điều nên có. Chí ít trong thời điểm khó khăn, giải thưởng này chính là sự khích lệ, mang lại niềm tin và hi vọng cho ngành đồng hồ nói riêng và công chúng nói chung. Đó là một thông điệp mang tính tích cực. 90 mẫu đồng hồ được đề cử sẽ giúp bạn có được một bức tranh toàn cảnh về ngành đồng hồ. Đây cũng là “chất liệu” cho những buổi đấu giá trong tương lai.

Đâu là mẫu đồng hồ mà ông thích thú nhất trong số 90 mẫu được đề cử lần này?
Tôi mê tất cả mọi thứ (cười). Thành thật mà nói, trong vai trò của nhà tổ chức, chúng tôi phải giữ vai trò trung lập và sẽ không đưa ra bình luận cá nhân về bất kỳ một chiếc đồng hồ nào cả. Tuy nhiên, GPHG giống như Thế vận hội Olympics: Bạn không nhất thiết phải giành chiến thắng mà quan trọng là dám thử sức ở cấp độ cao nhất.
Tôi tự hỏi vì sao một số tên tuổi lớn như Patek Philippe, Omega hay Jaeger-LeCoultre không tham gia cuộc thi này?
Thật ra, một số thương hiệu bạn đề cập đang tham gia theo cách này hay cách khác đấy chứ. Patek Philippe từng tham dự và giành liên tiếp các giải thưởng Aiguille d’Or danh giá. Tôi tin rằng, sớm hay muộn các thương hiệu này sẽ tái xuất tại GPHG.

Một nhà ngoại giao kỳ cựu như ông tìm thấy niềm vui gì khi rẽ lối sang ngành đồng hồ?
Thú thật, trước khi giữ vai trò hiện nay, tôi không có nhiều mối liên hệ với ngành đồng hồ. Đổi lại, tôi có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề ngoại giao, trong đó gồm 5 năm giữ vai trò đại sứ của Thuỵ Sĩ tại Singapore.
Tôi nghĩ GPHG cũng cần một vị đại sứ trong vai trò chủ tịch nhằm quảng bá văn hoá đồng hồ. Điều tôi tâm đắc nhất chính là việc sáng lập Học viện GPHG để thúc đẩy văn hoá đồng hồ một cách mạnh mẽ hơn. Với tôi, GPHG không chỉ gói gọn trong vài triển lãm hay lễ trao giải, nó là một chuỗi hoạt động xuyên suốt trong năm.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!