Thời trang cao cấp không còn là “sân chơi” riêng của các thương hiệu đến từ châu Âu và châu Mỹ.
Các thương hiệu thời trang Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thời trang thế giới và trở thành đối thủ đáng gờm cho những tên tuổi lâu đời của phương Tây. Nhân tố chính dẫn đến sự thay đổi này nằm ở việc người tiêu dùng châu Á đang dần trở nên tự tin với phong cách của mình và có xu hướng ưa chuộng các nhãn hiệu trong nước hơn.
Châu Á vẫn được coi là thị trường tiêu thụ thời trang cao cấp hàng đầu thế giới, chiếm khoảng một nửa thị phần. Hầu hết người tiêu dùng đều dưới 35 tuổi, thành thạo Internet và thích tìm kiếm các thương hiệu nhỏ, có tính sáng tạo cao nhằm giúp họ trở nên độc đáo, khác biệt so với thế hệ trước và cả những người xung quanh.
Theo nhận định từ các chuyên gia thời trang, chất lượng cao không còn là đặc trưng riêng của thời trang cao cấp phương Tây; thời trang châu Á dần nhận được nhiều sự chú ý bởi họ không ngại thử nghiệm nhiều loại chất liệu, công nghệ mới dựa trên chính cơ sở sản xuất tại địa phương.

Không còn là nguy cơ, các thương hiệu thời trang phương Đông đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đến nhiều “ông lớn” trong ngành thời trang cao cấp trên thế giới. Doanh thu của Prada, Bottega Venena và Tod gần đây đều không đạt mức tăng trưởng như mong đợi, trong đó một phần nguyên nhân đến từ mức giá sản phẩm tăng quá cao và việc mở cửa hàng ồ ạt tại một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản.
Các thương hiệu thời trang Trung Quốc như Ms Min và Comme moi (do siêu mẫu quốc tế Lu Yan sáng lập) giờ đây chiếm vị trí trung tâm trong các cửa hàng của Lane Crawford – hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất Hồng Kông và trải rộng khắp Trung Quốc. Lane Crawford cũng đang bày bán sản phẩm của các thương hiệu thời trang nam cao cấp đến từ Hàn Quốc như Woo Young Mi. Sắp tới, một số thương hiệu thời trang nữ đến từ “xứ sở kim chi” cũng sẽ bắt đầu xuất hiện trong Lane Crawford.
“Mọi người cảm thấy tự hào khi châu Á phát triển một cộng đồng sáng tạo của riêng mình và nổi lên thành một lực lượng sáng tạo mới có thể thách thức phương Tây”, Andrew Keith, Chủ tịch của Lane Crawford, chia sẻ.
Trong bốn năm qua, số lượng thương hiệu Trung Quốc được bày bán tại các cửa hàng của Lane Crawford đã tăng lên hơn 30. Ước tính có khoảng 20% lượng quần áo mua trực tuyến từ trang web của hãng này được chuyển đến các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, chủ yếu giao cho khách hàng Hoa Kiều trên khắp thế giới. Theo thống kê của Crawford, độ tuổi trung bình của khách hàng Trung Quốc đại lục là 25, trong khi ở Hồng Kông là 35-40.

Các nhãn hiệu thời trang đến từ Nhật Bản như Sacai và Tsumori Chisato… cũng được người tiêu dùng châu Á yêu thích. Rất nhiều trong số này hoạt động lâu năm hơn so với các nhãn hiệu của Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngôi sao nhạc Pop Lady Gaga còn thường xuyên diện đồ của Roggykei, một thương hiệu Nhật Bản được thành lập vào năm 2006 bởi hai sinh viên Đại học Thiết kế Osaka.