Coco Chanel từng được biết đến phong cách cách tân táo bạo và tinh thần tối giản, mang lại cho phụ nữ sự tự do vận động nhờ phom dáng và chất liệu mới. Bà cũng nổi tiếng với sự khắt khe trong từng chi tiết và kỹ nghệ chế tác – một tinh thần mà Chanel vẫn duy trì cho đến ngày nay.
Cả hai yếu tố thẩm mỹ ấy vốn đã gắn liền với văn hóa Nhật Bản. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi bộ sưu tập trang sức mới nhất Reach for the Stars của nhà mốt lại được ra mắt tại Kyoto, dù các thiết kế lần này không hề tối giản. Kyoto cũng chính là thành phố mà Patrice Leguéreau đặc biệt yêu thích. Ông là người đứng sau các bộ sưu tập trang sức cao cấp của Chanel suốt 15 năm qua, và đã qua đời vào tháng 11 năm ngoái. Bộ sưu tập lần này đánh dấu chương cuối cùng trong hành trình sáng tạo của ông tại nhà mốt Pháp.

Reach for the Stars thể hiện rõ nét dấu ấn Chanel qua việc tái hiện những biểu tượng quen thuộc của thương hiệu. Biểu tượng sư tử (linh vật yêu thích của Mademoiselle Chanel, do bà thuộc cung Sư Tử) xuất hiện trong mẫu vòng cổ, với hai chú sư tử đối xứng hai bên, và chuỗi kim cương đổ dài trên ngực. Hình ảnh sư tử cũng hiện diện trong các ngôi chùa cổ tại Kyoto, như trong các bức bình phong vàng tại chùa Nanzen-Ji.
Những vì sao băng, từng xuất hiện trong bộ sưu tập trang sức cao cấp đầu tiên và duy nhất của Coco Chanel năm 1932, cũng trở lại trong bộ sưu tập lần này. Một số thiết kế có hình tia sáng được lấy cảm hứng từ vương miện của 1.001 bức tượng Kannon, nữ thần từ bi tại chùa Sanjusangendo ở Kyoto.
Tuy nhiên, lần này Leguéreau đã mang đến một biểu tượng mới: đôi cánh. Hình ảnh đôi cánh là nguồn cảm hứng chủ đạo trong nhiều thiết kế, từ mẫu vòng cổ “Wings of Chanel” với kim cương và sapphire Padparadscha hồng 19,55 carat, cho đến các mẫu trâm cài và vương miện.

Bộ sưu tập không chỉ là lời tri ân dành cho văn hóa phương Đông, mà còn là “khúc ca” tiễn biệt đầy cảm xúc cho Patrice Leguéreau. Dù nguyên nhân ra đi của ông không được tiết lộ, nhưng những chủ đề xuyên suốt trong bộ sưu tập dường như cho thấy ông đã suy ngẫm nhiều về bầu trời và vũ trụ trong quá trình sáng tạo. Hoặc có thể, đó chỉ là sự trùng hợp. Dù thế nào, đây vẫn là một lời tạm biệt đẹp đẽ và là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên tại Chanel, cũng như mở ra một khởi đầu mới.
Tháng 12 vừa qua, Chanel bổ nhiệm Matthieu Blazy vào vị trí Giám đốc nghệ thuật, kế nhiệm Virginie Viard, người đã tiếp quản sau sự ra đi của huyền thoại Karl Lagerfeld. Bản thân Coco Chanel cũng từng là biểu tượng của sự tái sinh khi đã vực dậy thương hiệu giữa thời hậu chiến tranh thế giới thứ 2. Sau đó, Lagerfeld một lần nữa định hình lại Chanel. Và giờ đây, sự chuyển mình khác đang đến rất gần. Dù đổi thay ra sao, tầm nhìn nguyên bản ấy vẫn luôn là nền tảng bất biến của Chanel.