Robbreport Viet Nam
Robbreport Viet Nam

    Chân dung Véronique Nichanian – người phụ nữ quyền lực của đế chế Hermès

    Suốt 36 năm cống hiến cho Hermès, Véronique Nichanian là biểu tượng nữ giới hiếm hoi trong lĩnh vực thời trang nam.

    Trong văn phòng của Véronique Nichanian có sáu chiếc lọ lớn xếp thành một hàng gần bàn làm việc. Ở đó, trong những lúc rảnh rỗi, bà có thể ngước lên nhìn và suy ngẫm về những gì chứa bên trong. Chúng được nhồi đầy những mảnh vải màu sắc rực rỡ – từ xanh lam, vàng, cho đến màu xanh lá cây. Theo một cách nào đó, chúng là những chiếc lọ tâm trạng. Nichanian bị ám ảnh bởi các sản phẩm dệt may và màu sắc, và những chiếc lọ này đã ở bên cô trong nhiều năm. Bà kéo một cụm chỉ từ một cái lọ như thể đó là một viên ngọc, và theo một nghĩa nào đó, nó đúng là như vậy. Nếu đây là những bảng màu gợi lên niềm phấn khích cho bà – một phụ nữ có gu thẩm mỹ hoàn hảo, con mắt tinh tường và sự tò mò đa dạng, người phụ trách mảng thời trang nam trong gần bốn thập kỷ tại một trong những nhà mốt xa xỉ nhất của Pháp – thì chúng thực sự là những thứ đặc biệt.

    Nichanian là giám đốc nghệ thuật của “vũ trụ” thời trang nam Hermès, một chức danh hoa mỹ với lời giải thích có phần bình thường hơn – bà đã thiết kế tất cả các sản phẩm thời trang nam, từ quần áo, túi xách, giày dép, cho đến phụ kiện… Nhưng cách bà thực hiện điều này mới là điều hấp dẫn: trong suốt 36 năm qua, bà đã thiết kế trang phục cho những quý ông Paris sành điệu cũng như nam giới trên toàn cầu. Bà cũng là giám đốc sáng tạo lâu năm nhất trong ngành thời trang.

    Vẻ sang trọng thượng thừa, Hậu trường buổi trình làng bộ sưu tập 2025 của Hermès, được tổ chức tại Palais d’Iena vào tháng 6.

    Khi Nichanian được Hermès bổ nhiệm để tiếp quản bộ phận thời trang nam vào năm 1988, thương hiệu này đang trong quá trình tái thiết thời Jean-Louis Dumas, chắt của nhà sáng lập Thierry Hermès, và chưa phải là đỉnh cao của khát vọng như ngày nay. Dù không phải là người đặt nền móng cho Hermès, nhưng Nichanian có thể khẳng định mình đã lát những viên gạch đầu tiên cho thánh đường của ngành kinh doanh thời trang nam đương đại Hermès, bắt đầu từ thời điểm trước khi có GPS, Pretty Woman và World Wide Web.

    Bà đã làm điều đó với sự hiểu biết sâu sắc về những gì mà nam giới muốn đối với thời trang. “Tôi rất khắt khe khi làm việc với trang phục,” – bà chia sẻ. “Công việc của tôi không phải là tạo ra thời trang và một bức ảnh đẹp,” – bà nói thêm, ám chỉ đến các chiến dịch quảng cáo được đầu tư công phu của các nhãn hiệu khác. “Với tôi, một bức ảnh thời trang đẹp không có nghĩa là quần áo đẹp. Nó phải là thứ gì đó nằm ngoài khuôn khổ những khái niệm đó”.

    Mỗi sáng, trên đường đến văn phòng bên trong trụ sở chính của công ty, Nichanian đi qua các xưởng thiết kế. Qua lớp cửa kính, bà có thể nhìn thấy những nghệ nhân thủ công đang chế tác đồ da Hermès, sử dụng các công cụ và máy móc để làm việc. Ánh sáng tự nhiên tràn ngập không gian làm việc; một khi tắt đèn, nghệ nhân sẽ nghỉ làm. “Điều tôi thích ở Hermès là cảm giác thân thuộc. Đó là một ngôi nhà rất cởi mở, nơi mà tay nghề thủ công được vinh danh, và mọi thứ được thực hiện bằng tay” – bà chia sẻ với giọng đầy tự hào.

    Bao gồm các màu sắc như xanh ngọc lam, hồng buvard, matcha, nâu đất, trắng, … BST toát lên vẻ nhẹ nhàng và tinh tế.

    “Là một nhà thiết kế, tôi hoàn toàn tự do làm những gì mình muốn – không có nhân viên tiếp thị, không ai chỉ cho tôi cách làm cà-vạt hay giày,” – bà tiếp tục. “Tại Hermès, tôi thể hiện cách ăn mặc hiện đại của một người đàn ông. Anh ta thích những thứ duy mỹ với chất liệu đẹp. Và anh ta hiểu tại sao nó lại có giá đắt đỏ. Nó không đắt – chúng ta không nói về giá cả. Tôi chọn chất liệu tốt nhất, vải cashmere tốt nhất và nhà sản xuất tốt nhất, và đó là lý do vì sao nó đắt. Nhưng không phải vì tôi gắn một logo lớn lên đó. Và tôi thích người đàn ông này vì anh ta hiểu điều đó. Anh ta hiểu chính mình.”

    Hermès nổi tiếng nhất với những chiếc khăn lụa và túi xách được trang trí công phu, hiếm có và đáng mơ ước đến mức có thể bán trên thị trường thứ cấp với giá hàng trăm nghìn đô-la. Nhưng một số mặt hàng thời trang nam cũng xứng đáng được định giá ngang bằng. Dưới thời Nichanian, đồ da của thương hiệu đã trở nên thiết yếu và tôi thừa nhận rằng mình đã dành nhiều thời gian hơn mức cần thiết để thử một chiếc áo sơ-mi da lộn màu xám nhạt mượt mà tại cửa hàng Paris bên dưới trụ sở chính của thương hiệu trên phố Rue du Faubourg Saint-Honoré. Nhãn hiệu này đã được Robb Report vinh danh nhiều hạng mục giải thưởng Best of the Best cho cả áo khoác ngoài và túi xách, nhưng chất lượng gia công của đồ dệt kim và áo sơ-mi cũng tuyệt vời không kém.

    “Hermès là một thương hiệu rất Pháp. Sự tinh tế mà tôi có là rất Paris. Thật tinh tế khi người đàn ông Pháp kết hợp mọi thứ lại với nhau. Nhưng ngay từ đầu, đó là một thương hiệu bình dân,” – Nichanian nói. “Tôi biết cách làm ra một bộ suit đẹp, nhưng khó mà định nghĩa được cách ăn mặc casual và sang trọng. Tôi không muốn trở nên cổ điển hay truyền thống. Tôi muốn ở giữa hai thái cực đó.”

    Một mẫu trang phục trong bộ sưu tập thời trang nam xuân 2025 của Hermès.

    Thập niên 70 đánh dấu sự kết hợp ăn ý giữa Malcolm McLaren và Vivienne Westwood. Năm 1972, cặp đôi đã cùng nhau mở một cửa hàng quần áo có tên “Letit Rock” trên đường King’s ở Chelsea. Họ là những người đầu tiên cảm nhận được sự suy tàn của thời đại hippie và bắt đầu tìm kiếm những phong cách mới mang dấn ấn văn hóa của giới trẻ và thời trang đường phố tự phát. Đây cũng là khi văn hóa Punk xuất hiện như một cách phản ứng của người dân đối với tự do ngôn luận. Người lao động tự cắt xẻ quần áo cũ và kết hợp các chất liệu như da và kim loại lấy từ các cửa hàng từ thiện để gây chú ý.

    Nichanian tham vọng đưa Hermès lên một tầm cao mới song vẫn không đánh mất bản chất của thương hiệu danh giá này. “Thử nghiệm với chất liệu phức tạp, trở lại với một số phong cách trước đây, mời gọi các nghệ sĩ đóng góp ý tưởng… là quan điểm của tôi về khái niệm xa xỉ hiện đại,” – bà chia sẻ. “Sự xa xỉ cần được tái định nghĩa bằng tính cách tân và tôi luôn trong tâm thế kiếm tìm những chất liệu mới. Tôi đã thử nghiệm với vải lông ngựa, song loại sợi vải này khá ngắn và dễ đứt. Lần khác là loại vải lanh co giãn nhưng lúc đó chưa hề có loại vải này nên chúng tôi đã sáng chế ra nó bằng cách phối vải lanh truyền thống với sợi co giãn. 15 năm sau, tôi cũng tạo ra một bộ sưu tập bằng giấy washi thủ công Nhật Bản, hay kết hợp cao su tổng hợp neoprene với vải da chồn vizon. Để giữ được tính hiện đại, bạn phải biết kết hợp giữa cái cũ và mới một cách thật sáng tạo.” – bà cho biết thêm.

    Nichanian tự hào về những chi tiết nhỏ nhặt như vậy: “Tôi muốn tạo ra những bộ quần áo thể hiện cá tính của chủ nhân” – bà chia sẻ. Đó có thể là một chiếc túi được lót bằng da cừu hoặc một chiếc áo sơ-mi cotton- poplin – thứ mà nhìn thì có vẻ bình thường nhưng mang đến cảm giác mềm mịnh như lụa khi chạm vào. Hoặc một chiếc áo nỉ, áo sơ-mi và áo phông mở đầu cho buổi trình diễn bộ sưu tập, có hình ảnh trông giống như một bức phác thảo bằng bút chì của một nghệ sĩ về một chú ngựa.

    Những sản phẩm yêu thích khác của Nichanian bao gồm sơ-mi, quần short, quần dài và áo khoác có họa tiết “L’Instruction du Roy” mang tính biểu tượng của Hermès với các chi tiết cưỡi ngựa và họa tiết hoa, được tạo ra bởi nhà thiết kế Henri d’Origny vào thế kỷ trước và trở nên nổi tiếng trên những chiếc khăn lụa của hãng. Chủ đề của phần này là một dạ tiệc bãi biển và điểm nhấn là họa tiết đồ họa trên quần áo và xuất hiện dưới dạng hình xăm trên ngực, cánh tay và chân của người mẫu.

    Bà chia sẻ rằng mình vẫn luôn cảm thấy lo lắng trước bất cứ show diễn nào, bởi vì mỗi bộ sưu tập là sự thể hiện của một ý tưởng cụ thể, và việc nắm bắt được bản chất của ý tưởng đó không hề dễ dàng. “Điểm khó là biết khi nào nên dừng lại – với rất nhiều ý tưởng, bạn có thể tạo ra nhiều show diễn khác nhau. Vì thế, bạn phải xác định mình muốn gì”.

    Nichianian đã 70 tuổi, nhưng bạn sẽ khó mà đoán được tuổi thật của bà. Nhỏ nhắn và thanh lịch trong bộ trang phục đen trắng đơn giản với những phụ kiện thời trang, bà mang đến cảm giác về một người phụ nữ mạnh mẽ với đôi mắt biết cười. Bà nói tiếng Anh với chất giọng đặc sệt, thỉnh thoảng nói nhanh bằng tiếng mẹ đẻ để nhấn mạnh một điểm nào đó quan trọng hơn.

    Nichianian theo học tại École de la Chambre Syndicale de la Couture danh giá của Paris và tốt nghiệp thủ khoa, sau đó quyết định gia nhập Nino Cerruti với tư cách là nhà tạo mẫu cho dòng sản phẩm thời trang nam của nhà thiết kế này. Cerruti là người đã giúp định hình truyền thống may đo Ý với kiểu dáng nhẹ nhàng, và quan điểm của ông đã ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt là Giorgio Armani vào những năm 60. Tại Cerruti, Nichanian đã phát triển tình yêu của mình với nghề may và đặc biệt là vải, hợp tác với các nhà máy của Ý để tinh chế vật liệu theo tiêu chuẩn của mình. Cuối cùng, bà đã rời Cerruti để gia nhập Hermès, nơi bà bị thu hút bởi viễn cảnh rằng mình có thể may trang phục nam theo tầm nhìn riêng. 36 năm sau, tầm nhìn đó vẫn còn nguyên vẹn.

    Một số hình ảnh từ BST Xuân Hè 2025 của Hermès:

    RELATED STORIES

    FOLLOW US