Anh có thể chia sẻ đôi nét về bản thân?
Tôi là Trần Hùng, hiện là nhà thiết kế thời trang và là thành viên của Tuần Lễ Thời Trang London Fashion Week. Tôi sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đã hoàn thành ngành thiết kế thời trang của Trường Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội.
Anh có thể chia sẻ về cảm hứng và ý tưởng đằng sau bộ sưu tập (BST) Thu Đông 2024?
Hình ảnh người phụ nữ luôn là cảm hứng cho các BST của tôi và BST Thu Đông 2024 cũng không ngoại lệ. Từ quan sát các bức tượng nữ thần thời Phục Hưng, tôi chú ý đến đường nét thể hiện chất liệu trang phục ôm sát, tôn lên vẻ đẹp của bức tượng, và từ đó tôi đưa chi tiết này vào các thiết kế của BST Thu Đông 2024.

Tính siêu thực trong bộ sưu tập Thu Đông 2024 của anh được thể hiện như thế nào?
Tôi sử dụng các chất liệu như lụa và tulle để tạo nên hiệu ứng chuyển đổi màu sắc trên cơ thể người mặc, tạo cảm giác mờ ảo nhằm thể hiện nét đẹp của người phụ nữ.
Đâu là thách thức lớn nhất trong quá trình thiết kế và hoàn thiện BST?
Trong BST 2024, tôi sử dụng chất liệu da chay (vegan leather), được làm từ con giấm Scoby. Đây là thách thức lớn nhất trong BST lần này vì chất liệu da chay làm từ Scoby không có mặt trên thị trường. Vì vậy, tôi đã phải tự nghiên cứu và sản xuất chất liệu.
Anh có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu và hoàn thiện chất liệu này?
Khoảng năm 2021- 2022, tôi biết đến và thích thú với chất liệu từ Scoby. Sau khi tìm hiểu và tham khảo tư liệu, tôi bắt đầu nuôi men Scoby để lấy da. Quá trình nuôi men thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Ban đầu gặp khá nhiều khó khăn. Tôi để men phát triển quá lâu, hoặc không chăm sóc kỹ lưỡng nên bề mặt men không đều và có độ dày không phù hợp để ứng dụng vào trang phục. Sau 3 lần thử nghiệm, tôi đã đúc kết được những kinh nghiệm nuôi men để có được thành quả mong muốn.

Trong BST 2024, tôi sử dụng chất liệu da chay (vegan leather), được làm từ con giấm Scoby. Đây là thách thức lớn nhất trong BST lần này vì chất liệu da chay làm từ Scoby không có mặt trên thị trường.
Anh có thể chia sẻ thêm về những chất liệu bền vững khác mà anh đã sử dụng trong thiết kế của mình?
Trước đây, trong BST Thu Đông 2022, tôi đã sử dụng nhựa sinh học được chiết xuất từ tảo biển đỏ. Ngoài ra còn có chất liệu làm từ vỏ thanh long.
Ngoài chất liệu, đâu là điểm đặc trưng khác trong thiết kế của anh?
Bên cạnh các chất liệu đặc biệt như tôi vừa chia sẻ, 90% các thiết kế của tôi đều được làm thủ công.
Những chất liệu mà tôi nghiên cứu hoàn toàn có thể ứng dụng và đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường. Tuy nhiên, hiện tại tôi chỉ sản xuất để phục vụ nhu cầu của bản thân và các thương hiệu, và chưa nghĩ đến việc phát triển nguồn cung lớn cho thị trường.
Anh nghĩ gì về tầm ảnh hưởng của các ngôi sao và nghệ sĩ nổi tiếng trong việc lan tỏa thông điệp về thời trang bền vững?
Sức lan tỏa của người nổi tiếng rất quan trọng trong truyền thông. Trong đêm chung kết Miss Universe Việt Nam 2022, Hương Ly đã mặc một thiết kế với chất liệu bằng giấm và được dư luận rất quan tâm, từ đó giúp công chúng biết thêm về thời trang bền vững.

Theo anh, các yếu tố chủ lực trong thời trang bền vững là gì?
Đầu tiên, chất liệu phải thân thiện với môi trường, có nguồn gốc thực vật, hạn chế sử dụng chất liệu làm từ nguyên liệu hóa thạch. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất và kinh doanh, cần tính toán sản xuất với số lượng phù hợp, tránh hàng tồn đọng.
Những chất liệu thời trang bền vững mà anh tạo ra có thể cung cấp số lượng lớn cho thị trường không?
Những chất liệu mà tôi nghiên cứu hoàn toàn có thể ứng dụng và đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường. Tuy nhiên, hiện tại tôi chỉ sản xuất để phục vụ nhu cầu của bản thân và các thương hiệu, và chưa nghĩ đến việc phát triển nguồn cung lớn cho thị trường. Vì điều này có tiềm ẩn khả năng phát triển không bền vững. Tôi chỉ sản xuất đủ nhu cầu sử dụng, đó cũng là yếu tố tạo nên thương hiệu thời trang bền vững của Trần Hùng.
Theo anh, đâu là những yếu tố cần phải có để trở thành một nhà thiết kế thời trang?
Điều đầu tiên, bạn phải yêu thích và luôn muốn tìm hiểu về thời trang. Nhiều người nghĩ trở thành NTK thời trang rất khó, nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất là đam mê và sự hiểu biết về thời trang.
Anh có lời khuyên nào cho các nhà thiết kế trẻ muốn theo đuổi thời trang bền vững?
Lời khuyên là các bạn phải theo đuổi đến cùng và hiểu được như thế nào là thời trang bền vững. Tôi từng thấy một số thương hiệu ra mắt dòng sản phẩm bền vững, nhưng rồi lại chạy theo trào lưu và sản xuất thời trang nhanh (fast fashion) để đảm bảo lợi nhuận. Khi theo đuổi lĩnh vực này, chúng ta cần sự cam kết. Ngoài chất liệu, khâu sản xuất và kinh doanh cũng cần phải bền vững.
Nhìn vào tương lai, anh nghĩ ngành công nghiệp thời trang có thể làm gì để khuyến khích và hỗ trợ các nhà thiết kế phát triển các sản phẩm thời trang bền vững?
Để khuyến khích và hỗ trợ các nhà thiết kế (NTK) phát triển thời trang bền vững tại Việt Nam, chúng ta nên có một hiệp hội thời trang. Hiện tại, những NTK trẻ có bước khởi đầu khá khó khăn, và tiến trình thúc đẩy phát triển cũng chưa được thực hiện ở quy mô lớn.
Hội đồng thời trang nước Anh thường có những chính sách giúp đỡ các NTK và hành động thúc đẩy phát triển bền vững. Như trong đại dịch CoVid vừa qua, Hội đồng lập quỹ hỗ trợ các NTK vượt qua thời kỳ kinh tế khó khăn.
Nếu Việt Nam có một hiệp hội như vậy, những NTK trẻ hoặc đang gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ, từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang phát triển hơn nữa.
Kế hoạch sắp tới của anh là gì?
Ngoài cam kết theo đuổi thời trang bền vững, kế hoạch trong năm 2024 là giới thiệu những NTK trẻ, các thương hiệu thời trang Việt Nam đến Tuần lễ thời trang London. Tháng 9 tới, tôi sẽ đồng hành cùng một NTK từ Việt Nam trong London Fashion Week, giúp họ đưa thương hiệu và thiết kế của mình đến thị trường quốc tế.
Xin cám ơn anh.