Xuất thân là một nhà báo mảng ẩm thực/phong cách sống, anh nhìn nhận công việc food blogger/food reviewer hiện đã là một nghề chính thống tại Việt Nam hay vẫn chỉ là một nghề tay trái mang tính đam mê?
Với sự bùng nổ của công nghệ và mạng xã hội, việc review 1 món ăn hay nhà hàng chưa bao giờ dễ dàng đến như vậy. Trước đây là Facebook, Instagram, YouTube rồi bây giờ là Tik Tok… thời đại 4.0 cùng sự đa dạng của các nền tảng truyền thông đã giúp con người từ chỗ chia sẻ các địa điểm ăn uống như 1 sở thích, dần dần hình thành 1 nghề được công nhận là food blogger/food reviewer nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm chỗ ăn ngon và uy tín.
Việc trở thành 1 food blogger thực thụ với thu nhập ổn định hay “review vì đam mê” hoàn toàn là lựa chọn của mỗi cá nhân. Tôi có những người bạn lựa chọn công việc này với mức thu nhập khá cao, liên tục được nhiều nhà hàng và tiệm ăn săn đón. Nhưng cũng có nhiều người xem việc review đơn thuần như 1 sở thích nhằm chia sẻ kinh nghiệm của bản thân họ với cộng đồng.
Vậy bản thân anh đang “review vì đam mê” hay kiếm tìm một điều gì khác từ công việc này?
Cá nhân tôi xem đây như một nghề tay trái nhằm thỏa mãn đam mê nhiếp ảnh cũng như khám phá mọi góc cạnh của ẩm thực, bổ sung kiến thức cho công việc tư vấn doanh nghiệp ngành hospitality của mình.
Biết đâu trong tương lai sẽ là những quyển sách viết về ẩm thực Sài Gòn, điều mà tôi luôn đam mê và tâm huyết, đồng thời cũng là trách nhiệm với chính thành phố mà mình đang sinh sống.
Theo anh, những tiêu chí nào để có thể đánh giá đâu là một food blogger/food reviewer giỏi?
Để trở thành 1 food blogger/food reviewer chất lượng và được công nhận, theo tôi điều kiện tiên quyết buộc phải có chính là kiến thức và kinh nghiệm. Nền tảng hiểu biết được hình thành nhờ sự tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, kết hợp cùng kinh nghiệm thưởng thức ẩm thực ở nhiều phân khúc… sẽ giúp cho food blogger đưa ra được những nhận định xác đáng về món ăn. Nó khác với việc máy móc tìm đến 1 quán ăn rồi đọc vanh vách ở đó bán món gì, giá bao nhiêu, mở cửa lúc mấy giờ… mà rất nhiều food blogger hiện đang vấp phải. Thông tin không thôi vẫn chưa đủ, cái người đọc cần chính là các nhận định có giá trị. Đây là yếu tố tiên quyết nhằm xác định chất lượng của reviewer.
Với tư cách là người sáng lập Saigon Dining Guide, một nền tảng đánh giá các trải nghiệm ẩm thực uy tín với gần 30.000 thành viên trên Facebook hiện nay, anh có cho rằng ý kiến của food blogger/food reviewer tại Việt Nam hiện đã đủ sức nặng để khiến nâng cao danh tiếng lẫn doanh thu cho một nhà hàng?
Đối với tôi, ý kiến của food blogger/food reviewer cùng với sự chắp cánh của mạng xã hội hoàn toàn đủ sức nặng góp phần nâng cao danh tiếng lẫn doanh thu cho 1 nhà hàng, với điều kiện tiên quyết vẫn là nội lực của chính nhà hàng đó.
Bản thân tôi trước đây thường chia sẻ các địa điểm ăn uống tâm đắc trên tài khoản Facebook cá nhân. Tuy nhiên từ khi lập ra group Saigon Dining Guide thì các bài review có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nguyên do đến từ sự kết nối sâu sắc giữa các thành viên trong group, nhờ đó mà các tương tác cũng tăng trưởng bền vững khi mỗi thành viên được khuyến khích đưa ra nhận định của riêng mình.
Sự có mặt của Michelin Guide tại Việt Nam mang đến cho anh suy nghĩ gì? Liệu đây sẽ là cơ hội “vàng” cho nghề food blogger/ food reviewer trở thành một công việc “hot” của tương lai?
Dẫu gây nhiều tranh cãi trong lần công bố đầu tiên tại Việt Nam, chúng ta vẫn không thể phủ nhận sự tích cực của cẩm nang ẩm thực Michelin. Nó giúp thực khách thêm hứng thú khám phá các quán ăn mới, du lịch nhờ đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
Rõ ràng nhất là việc người Việt khi du lịch sang các nước lân cận như Thái Lan hay Singapore cũng sử dụng Michelin Guide nhằm tìm kiếm các địa chỉ ăn uống uy tín… Vậy thì điều tương tự cũng đang xảy ra với ẩm thực Việt Nam. Nhà hàng và các địa điểm ăn uống cũng có dịp nhìn nhận lại mình xem đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hay chưa, và mong đợi vào các mùa công bố tiếp theo để ghi tên vào cẩm nang uy tín này.
Và hiển nhiên Michelin sẽ là bệ phóng hoàn hảo cho công việc food blogger/food reviewer. Nhìn ở mặt tích cực thì các cá nhân đang theo đuổi công việc này sẽ phải trang bị thêm nhiều kiến thức chuyên ngành, cũng như độc giả sẽ được xem nhiều review chất lượng hơn thay vì các thông tin có phần sơ sài và cảm tính như trước đây.
Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh trong quá trình theo đuổi công việc food reviewer suốt nhiều năm qua?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi có lẽ là dịp gặp gỡ anh Hồng Tuyến, thế hệ thứ 2 của hủ tíu Hồng Phát cũng là thương hiệu hủ tíu duy nhất lọt vào Bib Gourmand năm 2023 (hạng mục các địa điểm ăn uống có mức giá phải chăng của cẩm nang ẩm thực Michelin). Âm thầm quan sát họ trong nhiều năm với tư cách là 1 thực khách, nên lần phỏng vấn cũng là dịp gặp gỡ đầu tiên đã diễn ra với thật nhiều cảm xúc đặc biệt.
Xin cảm ơn anh!