Robbreport Viet Nam
Robbreport Viet Nam

    [Cà phê sáng] Nhà sáng lập Amanaki: “Chỉ khi yêu thương và chăm sóc bản thân đủ, bạn mới có thể chăm sóc cho môi trường”

    Gặp gỡ Bùi Trung Đức, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Amanaki, thương hiệu vừa đạt giải thưởng Best of the Best 2024 do Robb Report Việt Nam tổ chức với hạng mục Khách sạn boutique bền vững tốt nhất của năm (Best Sustainable Boutique Hotel) dành cho Amanaki Thao Dien.

    Đầu tiên, anh có thể chia sẻ đôi nét về bản thân và thương hiệu “Amanaki”? 

    Để chia sẻ về bản thân, tôi thấy mình không có gì để chia sẻ nhưng để nói về Amanaki (mang ý nghĩa hi vọng), tôi mong muốn tiếp tục phát triển với định hướng bền vững trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn, đồng thời lan tỏa những giá trị về con người và văn hóa Việt Nam. 

    Điều gì đã truyền cảm hứng cho anh để đưa phát triển bền vững vào cốt lõi hoạt động của Amanaki? 

    Cách đây khoảng 20 năm, thời gian đang du học tại Anh Quốc, tôi chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Rồi tình cờ trong một lần đọc được tin tức về sự phản đối của người dân đối với sự việc ô nhiễm của bãi rác ở khu Hạ Lý, Hải Phòng – nơi tôi sinh ra, tôi nhận ra vấn đề mà mình quan tâm và mong muốn tìm hiểu. Không chần chừ, tôi ứng tuyển vào ngành xây dựng dân dụng và bảo vệ môi trường. Sau khi hoàn thành bậc Đại học và Thạc sĩ, tôi trở về Việt Nam và làm việc cho một công ty xây dựng. Năm 2016, sự cố môi trường Formosa lần nữa tác động đến tôi và thôi thúc tôi hành động vì môi trường và phát triển bền vững. Và đó cũng là lý do giải thích cho cốt lõi hoạt động của Amanaki. 

    Bùi Trung Đức, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Amanaki

    Triết lý bền vững của Amanaki là gì?

    Triết lý của Amanaki dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO và bộ tiêu chuẩn EGS gồm môi trường (Environment), xã hội (Social) và quản trị (Governance). Trong số 17 mục tiêu, Amanaki lựa chọn theo đuổi 7 mục tiêu gồm Giáo dục có chất lượng; Bình đẳng giới; Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng; Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm; Hành động vì khí hậu; Tài nguyên và môi trường biển. 

    Anh có tham khảo các mô hình vận hành và giải pháp bền vững trên thế giới để áp dụng cho Amanaki không? 

    Tôi may mắn có cơ hội du lịch đến các nước và quan sát thấy rằng kể từ năm 2010, các khách sạn đã bắt đầu thực hành bền vững như thay các đồ nhựa bằng vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường. Thực tế, tôi đã áp dụng các giải pháp bền vững cho doanh nghiệp của mình từ năm 2014 và cũng không tham khảo nhiều từ các trường hợp trên thế giới. Đa số các giải pháp hiện tại ở Amanaki đều được tôi và đội ngũ tự nghiên cứu để phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp và địa phương. 

    Các giải pháp “xanh” cụ thể nào mà anh đang triển khai tại Amanaki?

    Hiện tại, Amanaki đã và đang áp dụng rất nhiều giải pháp “xanh”. Cụ thể, ngay từ giai đoạn thiết kế tòa nhà, chúng tôi đã tìm cách để tối ưu hóa ánh sáng và đối lưu không khí, từ đó tiết kiệm nguồn năng lượng, lựa chọn các vật liệu chất lượng được sản xuất với quy trình giảm thiểu khí CO2, cũng như giảm việc bảo trì và thay thế trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, khoảng 70% nội thất tại khách sạn đều được tận dụng đồ gỗ từ các ngôi nhà cũ ở Miền Tây. Và nếu cần đóng mới sản phẩm, chúng tôi tái chế các miếng gỗ đã qua sử dụng. Các sản phẩm dầu gội, sữa tắm và chất tẩy rửa tại Amanaki đều có nguồn gốc thiên nhiên. Chúng tôi cũng sử dụng vải sợi tre và bột gỗ cho các sản phẩm khăn hay drap giường, ruột gối và chăn từ bông gạo. Ngoài ra, các rác thải hữu cơ được phân loại và xử lý để trở thành phân bón cho cây. Đó là một số trong rất nhiều giải pháp mà chúng tôi đang thực hiện.  

    Khoảng 70% nội thất tại khách sạn đều được tận dụng đồ gỗ từ các ngôi nhà cũ ở Miền Tây.

    Những khó khăn nào mà anh phải đối mặt khi áp dụng các giải pháp bền vững tại Amanaki? Anh đã giải quyết các khó khăn đó ra sao?

    Đối với tôi khó khăn nhất xuất phát từ con người. Để mọi người có thể ý thức về bền vững cần rất nhiều nỗ lực và các giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, rác thải thủy tinh cũng đang là mối lo không phải chỉ của riêng tôi bởi Tp. Hồ Chí Minh hiện nay không có cơ sở hay công ty chuyên về tái chế thủy tinh, trong khi đây là nguồn vật liệu có thể sản sinh ra cát (đang thiếu hụt về nguồn cung). Theo tôi, vấn đề này cần được cân nhắc từ các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế. 

    Anh đo lường và đánh giá hiệu quả các hoạt động bền vững của Amanaki như thế nào?

    Lượng rác thải, năng lượng tiết kiệm là những hạng mục có thể đo lường được, nhưng cũng có các hoạt động và giải pháp không thể đo đếm bằng con số. Thế giới hiện có rất nhiều bộ tiêu chuẩn và công cụ để đo lường về bền vững. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn và công cụ có thể đúng ở quốc gia này, nhưng lại không chính xác ở nơi khác. Vì thế, việc tìm hiểu cụ thể và kỹ lưỡng sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Hiện tại, Amanaki vẫn đang chuẩn bị nguồn lực và lựa chọn bộ tiêu chuẩn cũng như công cụ cho hiệu quả tốt như kỳ vọng. 

    NÚC Concept Kitchen & Bar, nhà hàng thuộc khách sạn Amanaki Thao Dien

    Anh có chiến lược nào về đào tạo đội ngũ nhân sự để có thể hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Amanaki?

    Amanaki không có một chương trình đào tạo cụ thể nào mà chỉ hướng đến ý thức của từng nhân viên. Trong quá trình tuyển dụng, chúng tôi luôn cho các ứng viên biết rằng phát triển bền vững chính là văn hóa tại Amanaki, và khuyến khích các bạn đóng góp cho văn hóa đó. Khi trở thành nhân viên chính thức, mỗi cá nhân sẽ nhận được bộ bình nước và hộp thủy tinh như là món quà giúp họ có điều kiện thực hành bền vững. 

    Con người chính là “chìa khóa” cho các hành động “xanh” và bền vững xuất phát từ các thói quen nhỏ hằng ngày. Amanaki luôn cố gắng giúp các nhân viên hiểu và ý thức về điều này, cũng như có lộ trình phát triển bản thân rõ ràng. Bởi, theo tôi, chỉ khi chăm sóc và yêu bản thân đủ, bạn mới có thể chăm sóc cho môi trường.

    Đội ngũ nhân viên tại Amanaki hiểu và thực hành bền vững gần như mỗi ngày.

    Những kết quả hoặc tác động tích cực nào Amanaki đã ghi nhận được khi chọn vận hành bền vững?

    Đối với câu hỏi này tôi cũng sẽ trả lời là con người, gồm cả nhân sự và khách hàng ở Amanaki. 70% nhân sự đều chưa có ý thức về phát triển bền vững khi vừa bắt đầu công việc, nhưng chỉ sau một năm, mọi người hiểu và thực hành bền vững gần như mỗi ngày. Từ phía khách hàng, ngoài các phản hồi tích cực về phát triển bền vững của khách sạn, nhiều người thậm chí cùng chung tay để lan tỏa các giá trị đó.    

    Con người chính là “chìa khóa” cho các hành động “xanh” và bền vững xuất phát từ các thói quen nhỏ hằng ngày. Amanaki luôn cố gắng giúp các nhân viên hiểu và ý thức về điều này, cũng như có lộ trình phát triển bản thân rõ ràng.

    Làm thế nào để Amanaki cân bằng giữa lợi nhuận và đầu tư vào các giải pháp bền vững?

    Là một doanh nghiệp địa phương, Amanaki có thể chủ động và không chịu quá nhiều áp lực tài chính. Tôi xin lấy ví dụ từ việc đổi từ túi rác nilon sang túi rác tinh bột và dầu hỏa. Việc chuyển đổi này tăng chi phí vận hành của Amanaki lên khoảng 5 đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Mặt khác, các tập đoàn lớn có thể mất thêm 1,5 tỷ đồng. Đây là bài toán tài chính và tôi chỉ xin chia sẻ câu chuyện từ phía Amanaki. 

    Không gian hồ bơi tại Amanaki Thảo Điền.

    “Đối với tôi khó khăn nhất xuất phát từ con người. Để mọi người có thể ý thức về bền vững cần rất nhiều nỗ lực và các giải pháp cụ thể.”

    Vai trò của văn hóa và giá trị Việt Nam trong việc định hình phát triển bền vững của Amanaki là gì?

    Để trả lời cho câu hỏi này, tôi xin đề cập đến một trong những mục tiêu của Chương trình tú tài Quốc tế International Baccalaureate (IB), đó là để trở thành một công dân toàn cầu, đầu tiên bạn cần phải hiểu và tôn trọng văn hóa của nơi bạn sinh ra, để có thái độ đúng mực đối với văn hóa ở các nước khác. Tương tự, Amanaki là một doanh nghiệp được sáng lập và vận hành bởi người Việt Nam, vì thế, điều hiển nhiên chúng tôi luôn đặt mục tiêu thực hành bền vững song hành cùng bảo toàn và lan tỏa các giá trị văn hóa của nơi chúng ta đang sống. 

    Bản thân anh nhìn nhận vấn đề phát triển bền vững tại Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?

    Tôi xin phép không so sánh, vì khi so sánh sẽ tạo nên áp lực. Theo tôi, phát triển bền vững tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn cần hành động hơn là chỉ có lý thuyết. 

    Những ý tưởng hay đổi mới nào anh đang ấp ủ để nâng cao tính bền vững của thương hiệu Amanaki trong tương lai? 

    Ngoài tiếp tục duy trì thực hiện các giải pháp bền vững hiện có, chúng tôi sẽ tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tái chế thủy tinh và phân bổ nguồn lực tìm hiểu về các công cụ đo lường nhằm đưa ra những con số hiệu quả về phát triển bền vững. 

    Xin cám ơn anh!

    Amanaki Thao Dien: https://www.amanaki.vn/en/amanaki-thao-dien/

    NÚC Concept Kitchen & Bar: https://nucsaigon.vn/

    RELATED STORIES

    FOLLOW US