Theo Lu, food blogger/food reviewer có thể được xem là một nghề chính thống tại Việt Nam hay vẫn chỉ là một nghề tay trái mang tính đam mê của những cá nhân sành ăn?
Sẽ còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận và định hướng của mỗi người đối với công việc này. Một số bạn xem đây là nghề tay trái vì sở thích thích khám phá và ghi lại địa điểm như cuốn nhật ký. Nhưng với Lu, nghề food blogger/food reviewer có thể được xem là một nghề chính thống tại Việt Nam với điều kiện chúng ta không chỉ là một người sành ăn, thích khám phá…mà còn là những người có kiến thức chuyên sâu về ẩm thực.
Những tiêu chí nào để có thể trở thành một food blogger/food reviewer giỏi, theo nhận định của Lu? Bản thân bạn đã phải hoàn thiện ra sao để tự tin với công việc của một food blogger chuyên nghiệp?
Theo Lu, để trở thành một food blogger/food reviewer giỏi không chỉ là đam mê ăn uống, mà còn phải đạt một số tiêu chí như sau: Kiến thức về ẩm thực; Sự kiên nhẫn và đam mê; Khả năng sáng tạo, truyền đạt đến người xem; Kỹ năng chụp ảnh, quay phim; Sự nhạy bén, cập nhật xu hướng nhanh; Biết cách giao tiếp và tương tác trên mạng lẫn ngoài đời; Tôn trọng nhãn hàng và đầu bếp.
Bản thân Lu đã cố gắng không ngừng nghỉ suốt 5 năm qua, bằng cách trau dồi thêm nhiều kiến thức từ sách, từ các nghệ nhân/đầu bếp; tiếp cận, học hỏi nhiều nền văn hóa-ẩm thực khác nhau cho đến các kĩ thuật chế biến. Ngoài ra, Lu còn trau dồi thêm về khả năng viết lách, kỹ thuật quay chụp, cải thiện giọng nói và khả năng giao tiếp. Quan trọng hơn hết, đó là đạo đức nghề nghiệp. Luôn phải trung thực, công tâm khi đánh giá các món ăn và tôn trọng nhãn hàng cũng như đầu bếp đã sáng tạo ra món ăn đó.
Liệu ý kiến của food blogger/food reviewer tại Việt Nam hiện nay đã đủ sức nặng để khiến nâng cao danh tiếng lẫn doanh thu cho một nhà hàng hay một đơn vị kinh doanh ẩm thực?
Với sự phổ biến của mạng xã hội và các nền tảng, những bài đăng và đánh giá của food blogger/food reviewer có thể có tầm ảnh hưởng và lan truyền rộng rãi, thu hút được sự chú ý và tạo ra hiệu ứng tác động tích cực hoặc tiêu cực đến nhà hàng hay một đơn vị kinh doanh ẩm thực nào đó. Tuy nhiên, khán giả nên xem có chọn lọc từ các food blogger/food reviewer có kiến thức chuyên môn. Cân nhắc sự đánh giá một cách cách hợp lý, vì ý kiến của food blogger/food reviewer không phải là yếu tố duy nhất có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng và doanh thu của một nhà hàng.
Bạn đánh giá sao về sự có mặt của Michelin tại Việt Nam? Liệu ngôi sao của ngành ẩm thực này sẽ là bệ phóng hoàn hảo cho nghề food blogger/food reviewer trở thành một công việc “hot” của tương lai?
Sự có mặt của Michelin đã tạo ra những cơ hội mới và nâng cao danh tiếng cho ngành F&B nói chung tại Việt Nam, tạo động lực cho những nhà hàng, quán ăn, đầu bếp Việt Nam phát triển/nâng cao chất lượng và sáng tạo trong ẩm thực. Michelin Guide còn mang đến một cách nhìn chuyên sâu và chất lượng về các địa điểm ẩm thực, dịch vụ, không gian…Đây là những điều có thể thúc đẩy sự phát triển của công việc food blogger/food reviewer, với yêu cầu cao hơn về chất lượng, sự sáng tạo và nguồn cung cấp thông tin chi tiết. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, công việc của một food blogger/food reviewer vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như mạng xã hội, khả năng tiếp cận đến người xem..Sự có mặt của Michelin là một yếu tố cộng hưởng và tạo ra sự quan tâm, nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công của một food blogger/food reviewer.
Liệu nghề food blogger/food reviewer có đủ đảm bảo thu nhập cho Lu như một công việc ổn định?
Công việc food blogger/food reviewer có thể có đủ thu nhập ổn định nếu bạn xây dựng được một lượng người theo dõi, định hướng rõ ràng và quảng bá hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần đầu tư thời gian và công sức trong việc phát triển nội dung độc đáo và chất lượng.
Thời gian đầu, Lu cũng khá vất vả trong việc xây dựng và tạo nguồn thu nhập từ công việc này. Nhưng với thời điểm hiện tại, Lu hoàn toàn có thể ổn định với thu nhập từ công việc food blogger/food reviewer.
Thị trường food blogger/ food reviewer theo Lu hiện nay đang có sự phân cấp ra sao?
Sự phân cấp thường sẽ thấy rõ hơn khi chúng ta ở khía cạnh là nhãn hàng hoặc agency. Thông thường, họ sẽ có danh sách về các food blogger/food reviewer phù hợp cho mỗi nhà hàng/nhãn hàng khác nhau.
Riêng Lu không có khái niệm về sự phân cấp thứ hạng. Lu chỉ phân loại ra các bạn thuộc mảng gì, như là food blogger/food reviewer đánh giá chuyên môn hay là food blogger/food reviewer giải trí, nấu ăn,..,…để có thể tiếp cận đến đúng đối tượng người xem và người tiêu dùng. Điều này sẽ tạo ra sự đa dạng hơn và tạo nhiều cơ hội cho những food blogger/food reviewer có sự sáng tạo và nhiệt huyết trong lĩnh vực này.
Có 1 kỉ niệm nào đáng nhớ trong quá trình theo đuổi công việc food blogger/food reviewer mà Lu muốn chia sẻ với độc giả của Robb Report Vietnam?
Kỉ niệm khiến Lu nhớ nhất và cảm thấy rất vinh dự khi được chef Alain Nguyễn – Chủ tịch Hội đầu bếp TP.HCM, mời dự Khai mạc lễ hội ẩm thực lần đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận với cương vị là 1 nhà phê bình ẩm thực. Lu được gặp gỡ và trò chuyện cùng các vị lãnh đạo như Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, Phó chủ chủ tịch Ủy ban tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ,…và được nói lên tiếng nói của người trẻ với các lãnh đạo, đồng thời được nghe họ chia sẻ về những mong muốn phát triển ẩm thực tỉnh Ninh Thuận đến rộng rãi du khách trong và ngoài nước. Một vinh dự rất lớn mà Lu may mắn có được trong sự nghiệp và cũng là động lực để Lu tiếp tục cố gắng đưa nền ẩm thực Việt Nam tiếp cận với bạn bè quốc tế.
Xin cảm ơn bạn!