Robbreport Viet Nam
Robbreport Viet Nam

    [Cà phê sáng] Bếp trưởng Nghiêm Minh Đức: “Đa số food blogger chỉ chia sẻ ‘cảm nhận’, ít có khả năng phân tích món ăn”

    Nghiêm Minh Đức, bếp trưởng trở về từ Úc và hiện đang dẫn dắt đội ngũ bếp tại Nous Dining, đồng thời là tác giả cuốn sách "Căn bếp màu xanh", đã có những chia sẻ cùng Robb Report Vietnam về vai trò và tương lai của nghề food blogger/food reviewer trong bối cảnh khi Michelin đã có mặt tại Việt Nam.

    Theo anh nhìn nhận, hiện trạng nghề food blogger hay food reviewer tại Việt Nam ra sao (xét về cả số lượng lẫn chất lượng)?

     

    Với cá nhân tôi “food review” là một hoạt động đã có ở Việt Nam từ rất lâu rồi. Những “food reviewer” đầu tiên và nổi tiếng nhất có lẽ không ai khác ngoài… Thạch Lam và Nguyễn Tuân (cười).

     

    Sự khác nhau giữa thế hệ các cụ và các food reviewer bây giờ chỉ nằm ở phương tiện và nền tảng truyền tải thông tin. Trong thời đại công nghệ số và mạng xã hội, việc chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm ẩm thực đã trở nên rất dễ dàng và phổ biến. Tuy nhiên, chính vì số lượng người tham gia vào hoạt động này khá đông đảo, nên chất lượng và tính chuyên nghiệp của các food blogger và food reviewer ở Việt Nam còn chưa được đồng đều. Có một số blogger/reviewer đang hoạt động chuyên nghiệp, có chiến lược phát triển rõ ràng, chất lượng nội dung tốt, độc đáo, trong khi đó cũng có một số người hoạt động chỉ với mục đích kiếm tiền theo kiểu chụp giật, theo trào lưu, đưa ra những đánh giá không đầy đủ, chưa chính xác.

     

    Đa số các food blogger hay food reviewer hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc chia sẻ “cảm nhận”. Tức là, sẽ rất thường xuyên bắt gặp những nhận xét của họ dưới dạng “món này ngon, món này đậm đà, món này chua quá…” nhưng để phân tích sâu hơn về lý do tại sao nó lại ngon, nó đậm đà như thế nào, nó chua do bản thân nguyên liệu hay cách nêm nếm… thì có lẽ họ sẽ không giải thích được.

     

    Đây có thể xem là một công việc toàn thời gian đầy tiềm năng tại Việt Nam không, thưa anh, nhất là sau khi Michelin đã chính thức có mặt?

     

    Muốn trở thành một food blogger hoặc food reviewer thành công, muốn coi nó như là một công việc fulltime, hoạt động hiệu quả và bền vững trong thời gian dài, thì người làm công việc này cần có kiến thức sâu rộng về ẩm thực, khả năng viết lách và giao tiếp tốt, kỹ năng quản lý thời gian và công việc, và khả năng xây dựng mối quan hệ với các đối tác trong ngành ẩm thực. Ngoài ra, họ còn cần đầu tư cho việc phát triển và quảng bá thương hiệu cá nhân của mình.

     

    Theo tôi, nhu cầu về các chuyên gia ẩm thực chuyên nghiệp, có định hướng và có khả năng đưa ra đánh giá chính xác về chất lượng và giá trị của các món ăn chắc chắn sẽ tăng cao, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thông thái hơn trong việc lựa chọn các món ăn và đánh giá chất lượng của các nhà hàng, quán ăn.

     

    Những food blogger/food reviewer nào để lại ấn tượng cho anh trên thị trường hiện nay?

     

    Tôi đánh giá cao Vũ Mỹ Linh (@nofoodphobia), Truong Mai (@truong._.t.mai) và Chen Ru Lu (@LuEating).

     

    Một kỷ niệm hay trải nghiệm nào liên quan đến food blogger/food reviewer mà anh muốn chia sẻ cùng độc giả của chúng tôi?

     

    Tôi muốn chia sẻ một góc nhìn từ khía cạnh người làm trong ngành nhà hàng – tức là “đối tượng được hoặc bị review” từ food blogger và food reviewer. 

     

    Việc food blogger/food reviewer thực hiện những nội dung được trả tiền là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, đồ ăn thức uống là thứ trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Vậy nên dù là nội dung quảng cáo, được trả tiền để review “khen” đi chăng nữa, cũng cần có tâm. Không nên đổi trắng thay đen và nói những điều không có cơ sở.

     

    Bên cạnh các sản phẩm được trả tiền, food blogger và reviewer cũng nên là những người tiên phong đi tìm, phát hiện và giới thiệu những “hidden gems” (PV – địa điểm mới lạ, thú vị chưa/ít ai biết tới) tới với độc giả hoặc khán giả của mình. Làm được việc đó, các bạn vừa giúp bản thân có được những nội dung độc đáo hơn, vừa gây dựng được uy tín đối với người theo dõi, lại vừa giúp cho ngành F&B có thêm những nhà hàng, quán ăn chất lượng.

     

    Xin cảm ơn anh!

    RELATED STORIES

    FOLLOW US