TÌM ĐƯỢC CHỖ ĐỨNG CHO CHÍNH MÌNH
Vào ngày mở bán các tác phẩm nghệ thuật của thế kỷ 20 – một phần trong phiên đấu giá Christie’s Hong Kong Spring, đã có tới 11 trong 15 kỷ lục mới được thiết lập bởi các bậc thầy Đông Nam Á (ĐNÁ), phần còn lại thuộc về nghệ sĩ của Trung Quốc. Sự trỗi dậy của những tác phẩm do các nghệ sĩ trong khu vực ĐNÁ sinh ra vào thời điểm chuyển giao thế kỷ (đặc biệt là những tên tuổi đã khuất) đã trở thành hiện tượng phổ biến trong một vài năm vừa qua.
Cuối tháng 11/2015, nhà đấu giá nghệ thuật Christie đã lập kỷ lục đấu giá thế giới nhờ tác phẩm Nhìn từ đỉnh đồi (Hilltop) của danh hoạ Lê Phổ đến từ Việt Nam với mức giá 844.697 USD (khoảng 19,3 tỷ đồng), theo sau là bức tranh mang tên Making Up của hoạ sĩ Cheong Soo Pieng người Singapore có giá bán 766.964 USD. Mỗi lần tác phẩm của Cheong bán ra, hầu như đều có một kỷ lục mới được thiết lập. Trong một buổi đấu giá hồi tháng 5/2016, Bohams đã bán bức Squirrels vẽ trên lụa của Cheong với giá gấp 5 lần ước tính. Chuyên gia mảng Nghệ thuật Châu Á thế kỷ 20 và đương đại của Christie tại Singapore, Teo Hui Min khẳng định, thực tế là cả hai nghệ sĩ này đã được định vị ở hai vị trí đầu tiên trong bất kỳ buổi đấu giá nào, điều này phản ánh niềm tin của nhà đấu giá đối với nghệ thuật Đông Nam Á. Đối với các nhà sưu tập, đây cũng là dấu hiệu cho thấy bước phát triển nhằm thoát khỏi cái bóng của nghệ thuật đương đại Trung Quốc.
“Bức tranh” tích cực này đã xuất hiện từ năm 2008, trong phiên tháng mười một của Christie, dù giá trị bán ra trung bình của tất cả món đồ đã sụt giảm đến 55%, thì giá bán của các tác phẩm đến từ ĐNÁ chỉ giảm 20%. Thêm một minh chứng cho mức tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nghệ thuật khu vực là văn phòng đại diện đầu tiên của nhà đấu giá hàng đầu thế giới Bonhams tại Singapore vào năm ngoái.
Chuyển dịch từ Bắc xuống Đông Nam
Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường ĐNÁ luôn nằm trong tình thế rất khó khăn so với nhiều thị trường khác, bởi lý do thôi thúc người mua chủ yếu xuất phát từ lòng yêu nước và cảm tình với nền văn hoá nơi đây – do đó đa số người mua đều đến từ cùng quốc gia với nghệ sĩ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đã có rất nhiều nhà sưu tập của Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan tỏ qua quan tâm đến các nghệ sĩ từ khu vực này. Những tác phẩm của Cheong đã đạt kết quả rất tốt tại các buổi đấu giá ở Thượng Hải. Bức By the River II của ông bán với giá 561.000 USD, tạo nên kỷ lục mới cho tranh của chính mình vào thời điểm đó.

Trong khi các nhà đấu giá đã cố gắng tránh tiết lộ quốc tịch của người mua, ngoài việc nói thông tin chung rằng họ ở châu Á hoặc châu Âu, các nhà quan sát vẫn cho biết rằng một tỷ lệ lớn người mua tác phẩm của ĐNÁ là giới nhà giàu mới nổi từ Indonesia và Philippin, họ sưu tập những công trình nghệ thuật dựa trên giá trị văn hoá tương tự mà họ chia sẻ với nghệ sĩ.
Trên thực tế, kết quả đáng khích lệ tại các cuộc đấu giá gần đây đã giúp các tác phẩm hạng A++ không còn ẩn danh trong những bộ sưu tập cá nhân mà dần bước ra “sân khấu”, chuyên gia nghệ thuật ĐNÁ của Christie, Wang Zineng, chia sẻ trong buổi duyệt trước của phiên đấu giá mùa xuân tại Singapore, rằng giá trị của các tác phẩm vẫn chưa đạt đỉnh, và sẽ càng tăng hơn nữa trong tương lai.
Báo cáo Knight Frank Luxury Investment Index 2014 cho thấy lĩnh vực nghệ thuật đạt mức tăng trưởng 15%, cao hơn mức trung bình 10% của toàn bộ chỉ mục. Do đó, tương quan với các loại đầu tư thiên về đam mê khác như rượu vang và đồ trang sức, nghệ thuật có vẻ như đang đem lại lợi nhuận tốt hơn. Đây cũng được xem là một trong những tài sản phải có bởi đặc tính của danh mục đầu tư này khá an toàn và không liên hệ trực tiếp đến hình thức đầu tư truyền thống. Khi những thị trường mới nổi ở châu Á phát triển phân hoá hơn, giới người giàu muốn để lại “di sản” cho riêng mình, chính vì thế họ sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để mua các tác phẩm với giá trị gốc. Xu hướng này cũng có thể thấy rõ qua sự gia tăng nhanh chóng của các tổ chức tư nhân và bảo tàng trên khắp châu Á để trưng bày những bộ sưu tập nghệ thuật. Trong khi nhu cầu đối với các tác phẩm đương đại đã giảm thiểu rõ rệt, một số công trình của những tên tuổi nổi tiếng vẫn duy trì giá trị tương đối. Tác phẩm Mask Series mới nhất của hoạ sĩ Zhang Fanzhi tuy giá bán thấp hơn con số ước tính 3,2 triệu USD, nhưng vẫn thu về 2,3 triệu USD trong một buổi đấu giá của Christie vào cuối tháng mười một năm ngoái.
Đầu tư như thế nào?
Đối với hầu hết các chuyên gia, niềm đam mê chính là quy tắc và cũng là tôn chỉ số một khi mua tác phẩm nghệ thuật. “Hãy mua thứ gì có thể sống được với bạn, trong nhà của bạn”, Teo tâm niệm. Quan điểm này có thể sẽ giúp bạn ít thất vọng hơn nếu giá trị món đầu tư của mình không tăng lên như kỳ vọng vào năm sau.
Nếu phải chọn ra những tên tuổi nào đủ sức bảo chứng giá trị trong lĩnh vực đầu tư nghệ thuật này, Teo chia sẻ, các nghệ sĩ đương đại hàng đầu sinh ra vào thế kỷ 20, đặc biệt là vào những năm 1970 như Ronald Ventura (Philippin), Natee Utarit (Thái Lan ) và Nyoman Masriadi (Indonesia) là những cái tên nên tìm kiếm hàng đầu. Bên cạnh đó, Bernadette Rankine, Giám đốc Bonhams ĐNÁ cho rằng một số nghệ sĩ trẻ như Raffy Napay (Philippin) hay Zen The (Singapore) đang sở hữu nhiều tác phẩm tiềm năng có thể trở nên nổi tiếng trong tương lai.