Nếu có một điều bạn có thể mong đợi từ buổi đấu giá Trang sức Cao cấp của Sotheby’s vào ngày 13/6 tới tại New York thì đó chính là nơi tràn ngập những viên kim cương và màu sắc đáng khao khát. Nhưng ẩn mình giữa chúng là một bộ tứ tác phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Emily “Paddy” Vanderbilt Wade. Những món trang sức từ di sản của nhà hóa học, nhà từ thiện và chắt gái của Cornelius Vanderbilt sẽ xuất hiện trên sàn đấu giá – mỗi món đều là hiện vật từ một trong những triều đại vĩ đại của nước Mỹ, và là minh chứng cho một người phụ nữ xuất sắc như những viên kim cương bà đeo.
Sinh ra trong dòng họ Vanderbilt của thời kỳ Hoàng kim và dòng họ Wade nổi tiếng với Western Union, Emily là con gái của William Henry Vanderbilt III, cựu thống đốc Rhode Island. Nhưng Emily đã tự vạch ra con đường riêng cho mình. Năm 1941, cô nhập học tại MIT với tư cách là một trong chỉ bảy sinh viên nữ trong khoá thứ nhất gồm 728 người. Cô lấy bằng hóa học và kết hôn với người bạn cùng trường Jeptha H. Wade III, tiếp tục truyền thống đổi mới, nhưng với khuynh hướng tư duy tiến bộ rõ rệt. Cùng nhau, hai vợ chồng Wade đã ủng hộ giáo dục khoa học và bảo tồn môi trường, đồng sáng lập Viện Bảo tàng Giảng dạy Khoa học và hỗ trợ các tổ chức văn hóa với tác động thầm lặng nhưng bền vững.

Tuy nhiên, dù có sự nghiêm túc trong học thuật và tầm ảnh hưởng từ thiện, nhưng Emily không hề xa lạ với ngôn ngữ trang sức – những món mà, giống như bà, có khả năng cân bằng giữa trí tuệ, sự thanh lịch và sự kiềm chế. Trong số những món trang sức của bà tại buổi đấu giá sắp tới có một chiếc vòng tay Cartier Art Deco (với giá ước tính từ 60.000 đến 80.000 USD) sở hữu thiết kế gọn gàng đính kim cương đặc trưng của thập niên 1930 nhưng vẫn phù hợp với thời đại ngày nay; một chiếc dây chuyền dài Marcus & Co. (có thể đạt tới 2 triệu USD) gắn kim cương cùng viên ruby 9,6 carat ở trung tâm; một mặt dây chuyền René Lalique (dự kiến đạt từ 20.000 đến 30.000 USD), một thiết kế kỳ ảo từ thời kỳ Art Nouveau; và một chiếc dây chuyền dài có tua rua của Tiffany & Co. (giá bán ước tính tới 60.000 USD) mà, dù không có chữ ký, được cho là đã được chế tác bởi nhà thiết kế Paulding Farnham khoảng năm 1900.

Buổi đấu giá cũng bao gồm một nhóm thứ hai, có tên Joie de Vivre: Hành trình trong Trang sức, ghi lại sáu thập kỷ của một cuộc hôn nhân qua 13 món trang sức được lựa chọn cẩn thận từ bộ sưu tập cá nhân. Những món này bao gồm một chiếc nhẫn kim cương giác cắt Emerald màu D 35 carat tuyệt đẹp của Graff (với giá ước tính từ 2 đến 3 triệu USD), và một đôi hoa tai được đính 84 carat ngọc lục bảo sugarloaf rực rỡ (có thể đạt mức giá trên 1,5 triệu USD). Những điểm nhấn trang sức cao cấp khác bao gồm một chiếc nhẫn kim cương hồng Fancy Pink 5,02 carat (giá ước tính từ 1,5 đến 2 triệu USD), một chiếc nhẫn kim cương xanh rực rỡ 2,02 carat (1,4 đến 1,8 triệu USD), và nhiều hơn nữa.

Hơn nữa, buổi đấu giá còn mang đến cho những nhà sưu tập câu chuyện thú vị về năm món trang sức Art Nouveau của René Lalique. Điểm nhấn là Le Vol de la Pierre – món đồ trang trí cài áo với hình ảnh những nam nhân khỏa thân bằng kính đúc cố gắng bẩy một viên đá quý ra. Dự kiến, món trang sức này có gì tới 50.000 USD.
Nhìn chung, buổi đấu giá là lời nhắc nhở rằng trang sức, khi ở trạng thái tốt nhất, không chỉ là đồ trang trí, mà còn là nghệ thuật kể chuyện. Giờ đây, khi chúng sắp tìm thấy tân chủ nhân, một chương mới cũng sẽ bắt đầu.