Sức hút Đà Nẵng
Có lẽ, Đà Nẵng hoàn toàn xứng đáng được gọi là Thành phố đáng sống nhất Việt Nam với lợi thế về khí hậu và thiên nhiên. Tại Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44, Đà Nẵng được công nhận là 1 trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng cacbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất. Không chỉ lọt top 10 thành phố du lịch trên nhất thế giới theo trang Therichest, Đà Nẵng còn sở hữu bãi biển “quyến rũ nhất hành tinh” theo nhận định của tạp chí Forbes (Mỹ)…
Môi trường đầu tư tại Đà Nẵng thông thoáng, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI, trong khi mức tăng trưởng GDP của Đà Nẵng từ đầu năm đến nay là 7,1%, cao hơn mức trung bình 5,5% của cả nước; cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng cũng được xem là tốt nhất so với các thành phố du lịch biển trên cả nước; công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với khả năng đón hàng chục chuyến bay quốc tế từ Bangkok, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc chưa kể hàng trăm chuyến bay nội địa mỗi tuần – một ưu thế lớn của Đà Nẵng so với các điểm du lịch khác như Nha Trang, Phan Thiết hay Phú Quốc….
Chính những yếu tố này đã giúp Đà Nẵng thu hút được một lượng lớn du khách. Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2016, Đà Nẵng đón 5,51 triệu lượt khách, tăng 17,7% so với năm 2015, ước đạt 107,2% kế hoạch. Tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards Năm 2016, Đà Nẵng vinh dự đón nhận danh hiệu: “Điểm đến hàng đầu châu Á về sự kiện và lễ hội”; trong khi khu nghỉ dưỡng Naman Retreat được trao giải “Khu nghỉ dưỡng retreat hàng đầu châu Á”; còn khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Peninsula nhận danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu châu Á”, “Khu nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam” và “Khu nghỉ dưỡng có Spa hàng đầu Việt Nam”. Những yếu tố này tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư phía Bắc.

Cuộc đổ bộ của nhà đầu tư phía Bắc
So với các thành phố biển miền Bắc vốn sở hữu cơ sở hạ tầng và nền tảng dịch vụ yếu kém, Đà Nẵng có nhiều lợi thế hơn nếu xét về khi hậu, môi trường, cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ. Đó là chưa kể cự ly gần của Đà Nẵng đến các tỉnh thành phía Bắc so với các thành phố biển có cự ly xa ở khu vực phía Nam như Nha Trang, Phan Thiết hay Phú Quốc. Chính vì thế, Đà Nẵng được coi là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư phía Bắc. Nếu như dăm năm trở về trước, số lượng nhà đầu tư phía Bắc chỉ chiếm khoảng 10% trong cơ cấu khách hàng giao dịch bất động sản Đà Nẵng thì tỷ lệ này đã tăng lên nhanh chóng: đầu năm 2014, con số này đã tăng trên 50% số lượng giao dịch, và trong năm 2016, tỷ lệ này là 75-85%.
Theo số liệu báo cáo của Sàn bất động sản Rồng bay, trong 6 tháng đầu năm 2016, nhu cầu đối với bất động sản nghỉ dưỡng khu vực Đà Nẵng tăng cao nhất, lên tới 39,5%, trong khi chỉ số này ở Hạ Long chỉ 12,7%. Nha Trang 19% và Phú Quốc 29,5%. Về giá bán, nhu cầu đối với các căn bất động sản nghỉ dưỡng có giá dưới 2 tỷ đồng chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 68,2%, tiếp theo là mức giá từ 2-5 tỷ, chiếm 21,5%, còn lại ở phân khúc giá cao nhất, lượng cầu chiếm 10,3%.
Theo quan sát của Robb Report, trong vài năm trở lại đây, nhìn chung nhu cầu của các nhà đầu tư phía Bắc đã dịch chuyển từ đất nền riêng lẻ vốn ẩn chứa nhiều nguy cơ sang đấn nền thuộc các dự án tên tuổi, đặc biệt là những lô đất nền ven biển; biệt thự ven biển và căn hộ-khách sạn condotel. Hiện nay, do quỹ đất nền tại khu vực ven biển trung tâm thành phố đã cạn kiệt nên các nhà đầu tư đang chuyển sang săn tìm các khu đất nền ven biển vùng ven ngoại ô hoặc đầu tư vào các dự án biệt thự ven biển và condotel. Giá một số dự án biệt thự ven biển điển hình tại Đà Nẵng hiện dao động thấp nhất từ 923USD/m2 (The Point, chỉ 40 căn), trung bình 1200-1673 (The Dune, 33 căn; Ocean Villas, 1453USD/m2, 110 căn; Nam An Residence, 1338USD/m2, 18 căn; The Estate, 1673USD/m2, 33 căn) và cao nhất là Hyatt Regency (4931USD/m2, 27 căn).