Đại diện mới nhất cho những nỗ lực cách tân không ngừng trong suốt gần hai thập niên đánh dấu sự ra đời của BST Royal Oak Concept.
Được giới thiệu đến công chúng vào năm 2002 nhân kỷ niệm 30 năm ngày khai sinh “huyền thoại” Royal Oak, mẫu đồng hồ Royal Oak Concept đầu tiên do Claude Emmenegger thiết kế sở hữu kết cấu lộ cơ táo bạo đi kèm cỗ máy phức tạp tích hợp tính năng bấm giờ và tourbillon do chính bộ phận Audemars Piguet Renaud & Papi phát triển, đặt trong bộ vỏ có kích thước 44 mm chế tác bằng hợp kim Alacrite 602 có nguồn gốc từ ngành hàng không và sản xuất giới hạn 150 chiếc. Không chỉ là cột mốc tôn vinh một di sản, dòng Royal Oak Concept còn chứa đựng những dấu ấn mang tính thử nghiệm cao độ, một bước đệm cho những bùng nổ về mặt kỹ thuật .
Với BST Concept, Audemars Piguet đã có một “bệ phóng” để nâng tầm nghệ thuật chế tác đồng hồ cao cấp, bằng cách kết hợp các cơ chế phức tạp với thiết kế truyền thống và kỹ thuật hoàn thiện tinh xảo. Thành công rực rỡ của mẫu đồng hồ đầu tiên tạo tiền đề cho sự ra đời của những thiết kế nổi bật tiếp theo như các mẫu Royal Oak Carbon Concept Tourbillon và Chronograph vào năm 2008. Đến năm 2015, thương hiệu tiếp tục ra mắt Royal Oak Concept Laptimer Michael Schumacher. Mang tên tay đua F1 huyền thoại, chiếc đồng hồ ra đời nhằm thỏa mãn yêu cầu đặc biệt của Schumacher: một thiết kế có thể liên tục đo thời gian hoàn thành các vòng trên đường chạy. Cùng năm đó, Audemars Piguet cũng ra mắt một mẫu Concept được xem là tham vọng nhất mang tên Royal Oak Concept Supersonnerie – một chiếc đồng hồ điểm chuông cần đến 8 năm nghiên cứu và phát triển.
Năm 2020 chứng kiến đại diện mới nhất của BST Concept – Royal Oak Concept Flying Tourbillon GMT. Phảng phất hơi thở vị lai độc đáo, tạo hình lộ cơ bất đối xứng của chiếc đồng hồ càng thêm bắt mắt với các cầu nối tái thiết kế cùng một flying tourbillon ở vị trí 9 giờ. Không chỉ bộ vỏ, mặt số cũng khoác lên gam màu xám lặng đương đại, từ bánh xe hiển thị múi giờ thứ hai ở vị trí 3 giờ, cho đến cửa sổ chức năng ở “hướng” 6 giờ và cả vành đệm đặt các cột giờ và phút.
Những sắc thái đa dạng của màu xám đơn sắc tiếp tục được phủ khắp các chi tiết bên ngoài, từ bộ vỏ và vòng bezel bằng titan hoàn thiện bề mặt bằng phương pháp bắn cát, đến núm vặn chống nước và nút bấm bằng gốm và cả dây đeo, bộ khóa và nắp lưng. Bên trong bộ vỏ là cỗ máy lên dây bằng tay Caliber 2954 của đồng hồ cung cấp 237 giờ năng lượng dự trữ khi nạp đầy hai trống cót, tương đương gần 10 ngày vận hành liên tục – một con số thực sự ấn tượng!
Là phiên bản giới hạn 30 chiếc có giá lên đến 198.400 Mỹ kim, bạn sẽ phải nhanh tay nếu muốn “săn” Royal Oak Concept Flying Tourbillon GMT tại cửa hiệu Arije tại kinh đô ánh sáng Paris (Pháp).