
Từ đó một hiện tượng mới xuất hiện và bao trùm nước Mỹ. Chỉ riêng trong thập niên đầu tiên, có tới 275 thợ may sản xuất loại áo này tại quần đảo Hawaii. Vào những năm 1940, các ngôi sao điện ảnh Al Jolson, John Barrymore, Douglas Fairbanks và Ronald Colman đã biến chiếc áo thành một biểu tượng của hoạt động nghỉ dưỡng, thư giãn cuối tuần. Đến năm 1947, đi ngược phong trào complê xám phủ khắp các văn phòng chính phủ, các nhân viên của tòa thị chính và hội đồng thành phố tại bang Hawaii được phép mặc áo Aloha đi làm. Như để chứng minh cho sức ảnh hưởng của chiếc áo rực rỡ này, hai vị Tổng thống Mỹ Truman và Eisenhower cũng bị bắt gặp mặc món đồ không “tổng thống” chút nào này.

Thế nhưng, nếu thực sự ngắm nhìn, bạn sẽ nhận ra rằng mỗi họa tiết trên chiếc áo đều có thể coi như những tác phẩm nghệ thuật nho nhỏ. Từng hoa văn đều mang màu sắc rất đặc trưng của người nghệ sĩ thiết kế. Có những chiếc áo cần tới 22 khung in riêng rẽ, và từng công đoạn đều phải được xử lý thủ công. Những chiếc áo vintage kiểu này có thể có giá lên tới 5.000 đô-la Mỹ, bởi giá trị tinh thần cộng thêm màu sắc tươi sáng hơn hẳn những chiếc áo in kỹ thuật số. “Nghệ thuật trên những chiếc áo Aloha thật tuyệt vời,” Hope hào hứng. “Từng câu chuyện được kể một cách chi tiết, chứ không giống những chiếc áo sơ-mi trắng Oxford. Từ thuở sơ khai, những chiếc áo này được vẽ bằng tay một cách chậm rãi, và người nghệ sĩ không bị ảnh hưởng bởi thế giới truyền thông và công nghệ. Trước kia, Hawaii là một thiên đường đúng nghĩa. Bạn sẽ đến với bộ complê ba mảnh, được chào đón bởi những vòng hoa nồng hậu, sau đó chắc chắn sẽ hòa cùng những chàng trai bản địa lướt trên những con sóng xanh biếc. Lúc đó, bạn sẽ không muốn mặc lại bộ complê cứng nhắc, mà chỉ muốn sắm ngay một chiếc áo Aloha thôi!”