Robbreport Viet Nam
Robbreport Viet Nam

    4 trung tâm mua sắm thế hệ mới tạo nên bước đột phá cho ngành bán lẻ cao cấp

    Dưới sự dẫn dắt của kiến trúc sư người Áo Victor Gruen, trung tâm mua sắm trong nhà với hệ thống điều hòa đầu tiên được ra mắt tại Edina, bang Minnesota, mở ra cuộc cách mạng bán lẻ vang dội trên toàn nước Mỹ 60 năm trước. Chẳng bao lâu sau, mua sắm trực tuyến rục rịch soán ngôi mô hình truyền thống này. Thế nhưng, tại một số quốc gia, biểu tượng của chủ nghĩa tiêu dùng Mỹ lại được tái sinh theo một hình thái mới – những trung tâm mua sắm “thế hệ mới” mang tính cộng đồng và văn hóa.
    Alhazm Doha, Qatar

    Các trung tâm thương mại có thể đang chết dần trên khắp nước Mỹ, nhưng không phải ở thủ đô sa mạc hoành tráng của đất nước dầu mỏ Qatar. Hãy tưởng tượng về một tổ hợp rộng 500 nghìn mét vuông, bao gồm thương hiệu nổi tiếng The Cheesecake Factory, khu thương mại Katara Plaza ngoài trời nhưng được trang bị điều hòa, khu thương mại dành riêng cho trẻ em trong hình hài một hộp quà khổng lồ. Đó chính là trung tâm Alhazm mới được khai trương vào tháng 9 vừa qua tại Doha của ông trùm bất động sản Mohamed Al Emadi. Giám đốc sáng tạo Georges Ibrahim nói: “Ông Al Emadi đam mê kiến trúc cổ điển, chính vì thế chúng tôi đã thuê 15 kiến trúc sư để tạo nên một phiên bản Trung Đông cho kỳ quan Galleria Vittorio Emanuele II”. Những người mua sắm sẽ nhầm tưởng mình đang lạc ở Milan vào thế kỷ 19 với những khu vườn thượng uyển cùng đài phun nước, những vọng lâu lãng mạn bao quanh bởi hàng trăm cây ô liu 200 năm tuổi nhập từ Tây Ban Nha.

    “Đây là một điểm đến cho phong cách sống mới. Chúng tôi mong muốn phục vụ những vị khách muốn ghé thăm Milan hay Paris nhưng chỉ trong chốc lát”, Giám đốc marketing Soufiane Ouazzani nói. Để đáp ứng những nhu cầu cao cấp của khách VIP, một kim tự tháp nhỏ bằng kính được hoàn thiện để dẫn họ tới khu vực đấu giá, các dịch vụ mua sắm đặc biệt, và dịch vụ quản gia.
    Aishti by the Sea, Beirut, Li-băng

    Ngay sau khi cuộc nội chiến Li-băng kết thúc, Tony Salame đã đem hào quang tới cho thành phố từng bị cô lập Beirut bằng trung tâm mua sắm Aishti xa xỉ với các thương hiệu cao cấp như Prada và Dior. Hai mươi sáu năm sau, ông cũng chính là người giới thiệu những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại tại đây. Tháng 10 vừa qua, Tony ra mắt không gian Aishti by the Sea rộng 40 nghìn mét vuông kết hợp giữa trung tâm mua sắm và bảo tàng nằm ngay sát bờ biển – nơi tập trung các nhãn hiệu hàng đầu thế giới như Alaïa, Kenzo, Alexander McQueen…. Với sự cố vấn của nhà sưu tập Jeffrey Deitch đến từ New York, hai cuộc triển lãm đầu tiên đã diễn ra với những tác phẩm được chọn lọc kĩ lưỡng từ bộ sưu tập cá nhân của Tony Salame. Tiếp sau đó là các tác phẩm mang trường phái ý niệm của hai nghệ sĩ người Mỹ Allen Ruppersberg và Rashid Johnson.

    Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Anh gốc Ghana David Adjaye, không gian nghệ thuật mang tên Aishti Foundation cũng có thể được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật khổng lồ. Tòa nhà bao gồm hai phần tách biệt, phần lớn hơn mang phong cách Mashrabiya đậm chất Hồi giáo được lấy ý tưởng từ những mái ngói đất nung Beirut thời kỳ 1920. “Chúng thông nhau qua những cửa sổ, lối đi, giống như những bức tranh của Fontana vậy”, Tony hào hứng chia sẻ. Mặc dù là một ý tưởng cấp tiến, thế nhưng việc kết hợp giữa thương mại và văn hóa luôn là chủ đề dễ gây tranh cãi. “Những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ở đây không phải để bán, mà để tăng thêm giá trị cho một trải nghiệm mua sắm đơn thuần”. Và như để củng cố cho triết lý kinh doanh đó, Tony còn lồng ghép thêm một khu vực spa cao cấp Harrods Urban Retreat, một quầy bar kết hợp hồ bơi ngoài trời, một sảnh chơi nhạc trên nóc nhà để tạo ra một không gian giải trí cho người dân Li-băng. Không chỉ vậy, nhiều khu vực cũng được thiết kế riêng cho các thương hiệu mới nổi của các nhà thiết kế bản địa dành cho các tín đồ yêu thời trang.
    The Commons, Bangkok, Thái Lan

    Với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Thái Lan, các trung tâm thương mại cao cấp đang mọc lên như nấm ở thủ đô Bangkok. Thế nhưng, giữa những khu mua sắm sầm uất và các chung cư cao tầng hiện đại, điểm đến về đêm Thonglor còn nổi tiếng với các không gian cộng đồng văn hóa. Hòa nhịp với xu thế đó, hai chị em nhà Varatt và Vicharee Vichit-Vadakan đã xây dựng The Commons vào tháng Hai năm 2016 để ủng hộ những doanh nghiệp địa phương.

    “Chúng tôi xây dựng The Commons với mục đích phục vụ cộng đồng nhiều hơn là thương mại, và trung tâm mua sắm chỉ là một sản phẩm phụ đi kèm”, Vicharee chia sẻ. Lấy ý tưởng từ một sân sau ngoài trời mang thiết kế thân thiện với môi trường, The Commons đặt yếu tố ẩm thực lên hàng đầu thay vì thời trang. Ngay tầng 1, khu vực chợ Market phục vụ món ăn Thái, sản phẩm làm từ trứng và sữa, một quầy bar với nước hoa quả tự nhiên. Xuyên suốt tầng 2 sẽ là các cửa hiệu đồ ăn mặn và bánh ngọt như Barrio Bonito, Meat & Bones, Jona Waffle, … với nhiều sự lựa chọn từ sườn nướng BBQ, ẩm thực Mexico, cho đến bia tươi. Tầng 3 với tên gọi Play Yard dành riêng cho những người ưa thích vận động với phòng tập yoga Absolute You; bên cạnh khu vui chơi cho trẻ em. “Để phát triển bền vững với ý tưởng ban đầu, chúng tôi cần phải hiểu được nhu cầu đến từ chính cộng đồng nơi đây”, Vicharee chia sẻ về con đường phía trước, “đồng thời chúng tôi muốn khuyến khích mọi người dành nhiều thời gian ngoài trời hơn là ở trong những căn phòng máy lạnh ngột ngạt”. Đó chính là lý do sân thượng Top Yard với nhiều không gian xanh, vườn rau sạch cùng một lớp học ẩm thực hứa hẹn sẽ là điểm sáng mới tại Thonglor.
    Bikini Berlin, Berlin, Đức

    Nằm ngay cạnh sở thú thành phố ở phía tây Berlin, sau ba năm cải tạo, xưởng thời trang kiêm nhà máy thời chiến Bikinihaus nay được biến thành một trung tâm thương mại với concept độc đáo. Vẫn lưu giữ cái tên được lấy cảm hứng từ bộ đồ tắm hai mảnh, thiết kế của Bikini Berlin bao gồm ba tòa nhà tách rời, được kết nối bởi một không gian mở ở chính giữa. Bạn sẽ không thể tìm thấy bất kỳ chuỗi thương hiệu nổi tiếng nào nằm trong khu phức hợp thương mại này, Giám đốc sáng tạo Nicole Srock-Stanley chia sẻ về mong muốn tạo một bàn đạp cho các tài năng trẻ: “Bikini Berlin chính là một nền tảng cho sự tái tạo liên tục”.

    Ngoài mua sắm, ăn uống và phòng trưng bày nghệ thuật, điểm độc đáo nhất của trung tâm thương mại này chính là khu vực Pop Up Boxes. Được tạo thành bởi một hàng dài gồm những chiếc thùng gỗ có diện tích 6 m2, không gian này không chỉ giới thiệu các sản phẩm của những nhà thiết kế mới lần đầu xuất hiện, mà còn trưng bày cả những bộ sưu tập ngẫu hứng trong khuôn khổ hợp tác giữa các nghệ sĩ, chẳng hạn như dự án hợp tác gần đây của nhà bán lẻ Andreas Murkusdis và thương hiệu Ý Aspesi. Tháng 12 năm ngoái, hội chợ Giáng sinh đương đại đã diễn ra với các cabin đồ ăn, một sân trượt băng được lắp trên sân thượng, một vườn cây cảnh treo ngược với hơn 30.000 bông hoa tươi và đặc biệt rạp phim Zoo Palast năm 1957 được khôi phục. “Khách hàng của chúng tôi có nhiều lựa chọn cho các nhu yếu phẩm hàng ngày”, Nicole nói, “nhưng họ chọn tới Bikini Berlin để được truyền cảm hứng, giải trí, và thư giãn trong vòng hai tiếng”. Thế nhưng, nếu khoảng thời gian đó vẫn không đủ, bạn có thể nghỉ ngơi trong những căn phòng mang chủ đề rừng rậm tại khách sạn 25hours Hotel thuộc trung tâm mua sắm này và ngắm nhìn vườn thú ngay sát bên cạnh.

    RELATED STORIES

    FOLLOW US